[In trang]
Gojek Việt Nam hỗ trợ khởi nghiệp qua nền tảng công nghệ
Thứ năm, 13/05/2021 - 11:43
Gojek Việt Nam đã chính thức khởi động dự án “Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2”. Dự án sẽ đào tạo kỹ năng nghề cho người thân các đối tác tài xế của Gojek khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ.
Gojek Việt Nam đã chính thức khởi động dự án “Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2”. Dự án sẽ đào tạo kỹ năng nghề cho người thân các đối tác tài xế của Gojek khởi nghiệp kinh doanh trên nền tảng công nghệ.
Gojek Việt Nam vừa chính thức triển khai chương trình “Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2”. Ảnh: Báo Thanh Niên
Dự án “Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 2” năm 2021 được triển khai tiếp nối thành công của chiến dịch “Để không ai bị bỏ lại phía sau - Mùa 1" do Gojek Việt Nam phối hợp thực hiện cùng CafeTek HTV năm 2020, nhằm giúp các quán ăn nhỏ và siêu nhỏ chịu ảnh hưởng Covid-19 dịch chuyển lên hoạt động trên GoFood. "Để không ai bị bỏ lại phía sau” được Gojek Việt Nam phối hợp cùng Nhà Văn hóa Phụ Nữ TPHCM và chương trình CafeTek thực hiện. Sáng kiến này đóng vai trò hỗ trợ cam kết “Không rào cản” của tập đoàn - một trong ba cam kết vừa được Gojek công bố vào tuần trước trong Báo cáo Bền vững hàng năm lần đầu tiên. (Cụ thể: Cam kết “Ba không” - Không khí thải, Không rác thải và Không rào cản).
Trong khuôn khổ hợp tác, các chuyên gia từ Nhà Văn hóa Phụ Nữ TPHCM và Gojek sẽ thực hiện một chuỗi các buổi đào tạo nhằm hỗ trợ người tham gia phát triển một số kỹ năng quản lý kinh doanh cơ bản, tập trung vào lĩnh vực khởi nghiệp mặt hàng ăn uống. Các buổi đào tạo bao gồm: lập kế hoạch tài chính và quản lý cửa hàng, xây dựng và quản lý gian hàng trực tuyến, các kỹ thuật nấu ăn, pha chế phổ biến; các nguyên tắc cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, cách chọn nguyên vật liệu và chế biến thực phẩm an toàn, v.v… Các món đồ ăn, thức uống trong khóa đào tạo được lựa chọn dựa trên tiêu chí giúp giảm thiểu các rào cản đối với việc khởi nghiệp kinh doanh, như dễ nấu, chi phí nguyên vật liệu thấp, dễ bán.
Nhằm hỗ trợ các học viên có thể ứng dụng các kiến thức, kỹ năng đã học được sau khi hoàn thành chuỗi chương trình đào tạo, Gojek sẽ tạo điều kiện thuận lợi để những học viên theo đuổi mặt hàng ăn uống có thể mở cửa hàng trực tuyến trên nền tảng đặt món GoFood của Gojek. Cụ thể, Gojek sẽ hỗ trợ việc đăng ký trở thành đối tác trên GoFood, chạy các chương trình truyền thông tiếp thị tích hợp, giúp cửa hàng khởi nghiệp có thể tiếp cận hiệu quả với hàng triệu người tiêu dùng trên hệ sinh thái Gojek, và tài trợ một phần chi phí mua sắm các vật dụng nấu nướng cần thiết, với mức 2 triệu đồng/gian hàng trực tuyến.
Theo ông Phùng Tuấn Đức, Tổng giám đốc Gojek Việt Nam: “Hệ sinh thái số của chúng tôi được xây dựng nhằm hỗ trợ các cá nhân, cộng đồng và doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh. Do đó, việc hỗ trợ các đối tác trong hệ sinh thái Gojek, đặc biệt là các đối tác tài xế và các cửa hàng vừa, nhỏ, và siêu nhỏ luôn là một trong những trọng tâm hoạt động của Gojek.”
Bằng việc giúp đỡ các cá nhân khởi nghiệp và tham gia vào nền kinh tế số, Gojek hướng tới việc trao thêm cho họ cơ hội tăng thu nhập và cải thiện sinh kế - từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tính riêng trong năm 2020, đã có hàng nghìn nhà hàng gia nhập mới nền tảng GoFood của Gojek. Hiện tại GoFood có hàng chục nghìn nhà hàng với hàng triệu món ăn, là một trong những nền tảng giao nhận đồ ăn hàng đầu tại thị trường Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để đáp ứng các nhu cầu hàng ngày của họ thì việc chuyển đổi thành doanh nghiệp số là một yêu cầu tất yếu đặt ra cho các đơn vị kinh doanh vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Lê Linh t/h