Tập trung tái cơ cấu bộ máy, quản lý tốt chi phí đầu vào, chi phí quản trị tài nguyên, nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư, tăng cường công nghệ để vừa nâng cao sản lượng, vừa giảm tổn thất tài nguyên trong khai thác là những giải pháp đã và đang được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ráo riết thực hiện.
Nhiều giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ than, khoáng sản
Với quyết tâm bằng mọi giá giữ ổn định thu nhập cho người lao động, nhất là đội ngũ thợ lò, lãnh đạo Tập đoàn đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác tiêu thụ than, khoáng sản; trong đó công tác tiêu thụ than là trọng tâm. Tập đoàn đã chỉ đạo các ban, đơn vị bám sát các hợp đồng, các khách hàng theo nguyên tắc bán hàng; đồng thời giải quyết dứt điểm công nợ, tiếp tục nghiên cứu thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, nhu cầu của khách hàng để chế biến, điều hành linh hoạt tiêu thụ, đáp ứng cho khách hàng; tạo dựng thị trường than phù hợp với tình hình, đảm bảo cân đối cung cầu và tài chính; phân công các công ty kinh doanh cuối nguồn để tiêu thụ, có các chính sách khuyến mãi, dịch vụ bán hàng... Đặc biệt, để nâng cao năng lực cạnh tranh, Tập đoàn tiếp tục thực hiện tái cơ cấu bộ máy theo hướngtinh gọn, hiệu quả và quản lý tốt chi phí đầu vào, chi phí trong quản trị tài nguyên tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường, giữ vững thương hiệu của TKV.
Khai thác tiết kiệm nguồn tài nguyên
Để tăng cường công tác quản trị tài nguyên, Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị đồng thời đẩy mạnh tiến độ các dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực, phát huy truyền thống kỷ luật và đồng tâm để vừa vượt qua những thách thức, khó khăn vừa đảm bảo mục tiêu xây dựng Tập đoàn xứng đáng là Tập đoàn kinh tế mạnh, trụ cột an ninh năng lượng quốc gia. Phát huy tối đa các nguồn lực nhằm đổi mới về công nghệ để tạo sự tăng trưởng mạnh về năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Theo đó, Tập đoàn đã tích cực đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ cơ giới hóa khai thác, trong đó ở các mỏ lộ thiên đã tăng cường áp dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ, gồm các thiết bị khoan, xúc bốc, vận tải theo hướng công suất lớn và thủy lực hóa. Do vậy, đối với các mỏ lộ thiên, tỷ lệ tổn thất than đã giảm từ 10% xuống còn 8% nhờ sử dụng các loại máy xúc thủy lực, máy xúc lật thế hệ mới. Ðối với các mỏ hầm lò, mức độ cơ giới hóa trong các khâu đào, chống lò, khai thác, vận chuyển than đã không ngừng được nâng cao, đầu tư bằng nhiều thiết bị máy móc hiện đại. Do vậy, mức độ tổn thất than ở các mỏ hầm lò giảm dưới 30%.
Với tốc độ phát triển và trình độ áp dụng công nghệ hiện nay, Tập đoàn nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống còn khoảng 20% và dưới 20% sau năm 2020. Tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020. Đây cũng là mục tiêu được phê duyệt tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030.
Theo tapchicongthuong.vn