[In trang]
Đổi mới ngành khai thác - chế biến khoáng sản: Áp dụng khoa học và công nghệ là yêu cầu cấp thiết
Thứ năm, 11/01/2024 - 14:00
Yêu cầu cấp thiết về ứng dụng khoa học và công nghệ trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã được Đảng và Nhà nước thể hiện trong nhiều chính sách liên quan.
Yêu cầu cấp thiết về ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đã được Đảng và Nhà nước thể hiện trong nhiều chính sách liên quan.
Ứng dụng KH&CN là yêu cầu cấp thiết
Ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch 866). Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp trong ngành khoáng sản có kế hoạch,chiến lược đầu tư, xin cấp giấy phép, tiếp tục hoạt động và phát triển.
Theo ông Đào Công Vũ – Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương), trong quan điểm, mục tiêu của Quy hoạch 866 đã xác định rõ là phải phát triển lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản gắn với ứng dụng KH&CN tiên tiến, hiện đại, gắn với quá trình chuyển đổi nền kinh tế đất nước theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế thế giới.
Yêu cầu cấp thiết về ứng dụng KH&CN trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản (KT-CBKS) còn được Đảng và Nhà nước thể hiện trong nhiều chính sách liên quan, như: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị  về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ...
Ngành công nghiệp khai thác khoáng sản có lịch sử lâu đời, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta.
(Ảnh minh họa: https://vneconomy.vn/)
Đáng chú ý, trong những năm gần đây, KH&CN đã thúc đẩy đổi mới và hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, hiệu quả khai thác, chế biến; nâng cao tỷ lệ thu hồi, giảm tổn thất tài nguyên trong quá trình KT- CBKS; nâng cao mức độ an toàn lao động, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.
Dẫn chứng cho điều này, ông Đào Công Vũ cho biết, trong khai thác, đã có những dự án có công nghệ và thiết bị cơ bản đạt trình độ tiên tiến, tiệm cận và ngang tầm với các nước trong khu vực với những đồng bộ thiết bị lớn, hiện đại, ứng dụng định vị GPS trong quản lý các vận tải, phần mềm quản lý cấp phát nhiên liệu, phần mềm giao nhật lệnh sản xuất, nghiệm thu sản phẩm.
Hay trong lĩnh vực tuyển khoáng, chế biến sâu khoáng sản, đã có những nhà máy áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới với mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao ở các nhà máy quy mô lớn; ở các công đoạn sản xuất đủ điều kiện đang tiến tới xóa bỏ lao động thủ công nhất là ở các xưởng sàng, tuyển quy mô vừa và nhỏ. Cùng với đó là việc đổi mới, hoàn thiện công nghệ, áp dụng rộng rãi các thiết bị công nghệ tiên tiến, thiết bị đo lường, điều khiển, tự động hóa ở các nhà máy tuyển, chế biến sâu hiện có nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động, chất lượng sản phẩm, nâng cao mức thu hồi các thành phần có ích chính và nguyên tố có ích đi kèm,...
Ngành công nghiệp KT-CBKS của Việt Nam bắt buộc phải có một lộ trình cụ thể về phát triển KHCN và ĐMST, bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để có thể cạnh tranh được với khu vực và thế giới; và như vậy, vai trò của các tổ chức KHCN trong ngành công nghiệp KT-CBKS cần đóng vai trò dẫn dắt và hợp tác với các doanh nghiệp để thức đẩy quá trình đổi mới, áp dụng KHCN tiên tiến trong ngành.
Hướng tới hình thành ngành KT- CBKS đồng bộ, hiệu quả
Xác định được yêu cầu cấp thiết của việc áp dụng KH&CN, trong những năm qua, các tổ chức nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong ngành KT-CBKS nói chung cũng như Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim nói riêng đã tích cực nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành công nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật vào thực tiễn, mang lại những chuyển biến tích cực trong ngành CBKS.
Tiêu biểu là công nghệ khai thác và tuyển hợp lý quặng sa khoáng titan - zircon trong tầng cát đỏ; công nghệ tuyển và chế biến sâu quặng graphite; công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn; công nghệ tuyển tận thu các nguyên tố có ích trong quá trình tuyển và luyện quặng đồng Sin Quyền; công nghệ tuyển, chế biến quặng apatit loại III nghèo;...
Bên cạnh đó, đã cung cấp cho các doanh nghiệp KT-CBKS các dịch vụ tư vấn phát triển các dự án, chuyển giao các giải pháp công nghệ, thiết bị tiên tiến, phù hợp theo từng doanh nghiệp. Đồng thời, thúc đẩy quá trình đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị trong ngành công nghiệp mỏ bằng giải pháp tư vấn sử dụng công nghệ, thiết bị đồng bộ hiện đại theo xu hướng công nghiệp 4.0 cho các dự án mới, đề xuất đẩy nhanh quá trình thay thế, đổi mới công nghệ, thiết bị trong các doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng công nghệ, thiết bị cũ, lạc hậu.
Một số dự án tiêu biểu như: Dự án khai thác - tuyển quặng sắt Quý Xa - Lào Cai; Dự án nhà máy tuyển quặng đồng số 2 mỏ Sin Quyền, Lào Cai; Dự án Nhà máy nghiền zircon siêu mịn Sông Bình; Dự án nhà máy sản xuất pigment tại tỉnh Bình Thuận; Dự án khu liên hợp gang thép Long Sơn Bình Định; Dự án Nhà máy tuyển niken Cao Bằng;...
Cũng theo chia sẻ của ông Đào Công Vũ, các tổ chức nghiên cứu khoa học trong ngành KT-CBKS đã tập trung vào các hướng nghiên cứu đưa ra các giải pháp tổng thể cho KT- CB và sử dụng tối đa khoáng sản cũng như các vật liệu khai thác ra từ mỏ. Song song với đó là việc đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin vào quá trình nghiên cứu, phát triển KH&CN, nghiên cứu ứng dụng các mô hình chuyển đổi số, công nghệ thông minh vào ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả kinh tế ngành công nghiệp khai khoáng.
Với các yêu cầu, mục tiêu, định hướng phát triển ngành công nghiệp KT-CBKS đã nêu trong Quy hoạch 866, ông Vũ mong muốn Bộ Công Thương, các địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành khai khoáng cùng phối hợp, hợp tác liên kết với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước để cùng nhau hình thành ngành KT- CBKS đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại phù hợp với xu thế thế giới, theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Có thể khẳng định rằng, các tổ chức nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong ngành KT- CBKS có đủ năng lực, nhân lực và kinh nghiệm, có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp ngành khai khoáng, gắn kết với các doanh nghiệp trong phát triển, ứng dụng KH7CN, trong xây dựng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, trong tiếp nhận và chuyển giao công nghệ mới, chế biến sâu, trong việc xây dựng các dự án và tư vấn thiết kế các dự án KT-CBKS. Luôn song hành cùng các doanh nghiệp trong ngành KT-CBKS trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị nhằm thúc đẩy sự phát triển, hướng tới ngành công nghiệp mỏ Việt Nam phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, tiếp thu và thích ứng với trình độ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hà Nguyễn