Nhiều nghiên cứu KHCN nổi bật của Viện Thuốc lá giai đoạn 2021 - 2023
Thứ năm, 16/05/2024 - 08:08
Nhờ bám sát định hướng phát triển của ngành Công Thương nói chung và ngành thuốc lá nói riêng. Giai đoạn 2021-2023, Viện Thuốc lá thực hiện 13 nhiệm vụ cấp Bộ Công Thương và 28 nhiệm vụ cấp Tổng Công ty. Trong đó, Viện tập trung nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học công nghệ ở hai lĩnh vực trọng điểm đó là nông nghiệp sinh học và công nghệ.
Nhờ bám sát định hướng phát triển của ngành Công Thương nói chung và ngành thuốc lá nói riêng. Giai đoạn 2021-2023, Viện Thuốc lá thực hiện 13 nhiệm vụ cấp Bộ Công Thương và 28 nhiệm vụ cấp Tổng Công ty. Trong đó, Viện tập trung nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học công nghệ ở hai lĩnh vực trọng điểm đó là nông nghiệp sinh học và công nghệ.
Trong nông nghiệp sinh học
Giai đoạn 2021 -2023, các giống thuốc lá mới do Viện Thuốc lá lai tạo và chọn lọc được sản xuất và chấp nhận ngày càng cao. Tỷ trọng giống mới cung ứng cho sản xuất thuốc lá nguyên liệu đã trên 70% ở vụ mùa 2021-2023. Các giống thuốc lá do Viện lai tạo và chọn lọc có chất lượng tốt cao và năng suất tốt (tăng tối thiểu 10% so với các giống đại trà) đã đem lại lợi nhuận cao cho người trồng, đặc biệt là bà con các tỉnh miền núi. Ba trong số nhiều giống thuốc lá mới đã đem lại quả nổi bật có thể kể đến như: D65, GL9, Oriental Hanski 227.
Ruộng trồng khảo nghiệm diện rộng giống thuốc lá có triển vọng tại Lạng Sơn
Giống thuốc lá vàng sấy D65: có các đặc điểm nổi bật như: thích nghi điều kiện thời tiết tại các tỉnh phía Bắc; kháng bệnh khảm lá do TMV; có năng suất cao; hàm lượng nicotin thường ở mức trên 2,0% và hàm lượng đường khử thường thấp dưới 20%. Với đặc điểm này, giống D65 đã góp phần khắc phục tình trạng nguyên liệu phía Bắc thường có nicotin thấp và đường khử cao. Giống thuốc lá mới D65 được công bố lưu hành theo Thông báo số 555/TB-TT-CCN ngày 04/6/2021 của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Giống thuốc lá vàng sấy GL9: có khả năng kháng bệnh khảm lá do TMV, kháng khá bệnh đen thân và kháng trung bình héo rũ vi khuẩn; Năng suất luôn vượt giống đối chứng C9-1 trên 15%. Giống thuốc lá GL9 được công bố lưu hành theo Thông báo số 1163/TB-TT-CCN ngày 15/11/2021 của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Giống thuốc lá thuốc lá Oriental Hanski 227: đây là giống thuốc lá do Viện Thuốc lá Bulgaria cung cấp. Qua khảo nghiệm cho thấy giống phù hợp với điều kiện Việt Nam; cho năng suất khá và chất lượng tương đương mẫu nhập khẩu và được các đơn vị sản xuất thuốc điếu đồng ý sử dụng. Thuốc lá nguyên liệu Oriental cho đến nay chưa được sản xuất trong nước nên các đơn vị sản xuất thuốc điếu trong nước hàng năm phải nhập khẩu hàng ngàn tấn nguyên liệu. Việc sản xuất được loại nguyên liệu này tại Việt Nam không chỉ nâng cao tính chủ động cho ngành thuốc lá mà còn góp phần tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.
Năm 2023, Viện Thuốc lá đã tiến hành trồng khảo nghiệm diện rộng và với quy trình kỹ thuật trồng, sơ chế được hoàn thiện đã xây dựng mô hình sản xuất nguyên liệu thuốc lá Oriental tại Đắk Lắk và công bố lưu hành giống Hanski 227 cho vùng trồng Tây Nguyên trên cổng thông tin điện tử của Bộ NN&PTNT từ tháng 11/2023. Năm 2024, Viện Thuốc lá đang triển khai sản xuất thử với diện tích 3,0 ha, nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và từng bước phát triển sản xuất nguyên liệu thuốc lá Oriental tại Đắk Lắk.
Bên cạnh việc phát triển các giống thuốc lá mới, Viện Thuốc lá luôn chú trọng công tác nghiên cứu phòng trừ sâu bệnh hại thuốc lá cũng như lưu giữ nguồn gen cây thuốc lá. Bằng việc áp dụng phương pháp và sử dụng mô hình dự báo phù hợp, hàng năm Viện Thuốc lá đã đưa ra các dự báo về khả năng phát triển và gây hại của sâu bệnh tại mỗi vùng trồng, đồng thời khuyến cáo các biện pháp phòng trừ. Các đơn vị sản xuất nguyên liệu thuộc Tổng công ty đã thực hiện theo khuyến cáo qua đó làm giảm thiểu mức độ thiệt hại do sâu bệnh gây ra cho cây thuốc lá.
Ngoài ra, để triển khai công tác lưu giữ nguồn gen, Viện đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc cấp Tổng công ty và Bộ Công Thương và đạt được một số kết quả nổi bật như: Năm 2021, đã đánh giá 11 nguồn gen thuốc lá Burley tại Đắk Lắk và bước đầu xác định được nguồn gen Kentucky 14 thể hiện một số ưu điểm gồm: thời gian phát dục trung bình đến muộn (63 ngày sau trồng), tổng số lá nhiều (32,5 lá), khả năng tích lũy chất khô cao (8,7), năng suất cao (2,93 tấn/ha), chất lượng đứng trong nhóm đầu của các nguồn gen được đánh giá. Đây cũng là tiền đề mở ra hướng nghiên cứu khoa học mới được triển khai trong giai đoạn năm 2023 – 2025 “Nghiên cứu chọn lọc giống và biện pháp kỹ thuật sản xuất nguyên liệu thuốc lá Burley ở Đắk Lắk”.
Trong công nghệ
Trong năm 2020 và 2021, Viện Thuốc lá đã thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu sử dụng polyphenol chiết xuất từ cây chè làm hương liệu trong sản xuất thuốc lá điếu” và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, đã lựa chọn 03 chế phẩm có tính chất vật lý phù hợp, hàm lượng polyphenol cao (56,96 – 72,03%), có khả năng cải thiện chất lượng cảm quan thuốc lá điếu, sử dụng như thành phần bổ sung chủ yếu trong sản xuất hương liệu chè xanh có chứa polyphenol.

Cấy chuyển mẫu trong bảo quản sinh trưởng chậm nguồn gen cây thuốc lá
Kết quả thí nghiệm bổ sung chế phẩm polyphenol dạng liệu tỷ lệ 0,6 - 0,8%w/w; dạng hương tỷ lệ 0,2 - 0,3%w/w và bổ sung vào đầu lọc tỷ lệ 4,2 - 5,6mg/đầu lọc/0,7g sợi cải thiện đáng kể chỉ tiêu cảm quan về hương, vị trong khi thành phần nicotine, tar trong khói tương đương so với mẫu đối chứng. Đặc biệt, mẫu thử liệu tỷ lệ 0,6%w/w và mẫu thử hương tỷ lệ 0,3%w/w có hàm lượng nitrosamine tổng số giảm từ 34,6 – 52,4% so với đối chứng. Kết quả thí nghiệm ứng dụng chế phẩm polyphenol trong sản xuất hương, liệu thuốc lá cho thấy các mẫu thuốc lá điếu bổ sung hương, liệu chứa polyphenol được cải thiện chất lượng cảm quan trên các chỉ tiêu hương (điểm tăng 15,3 - 18,8%), vị (điểm tăng 10,9%) và độ nặng (điểm tăng 9,3%) so với đối chứng. Hơn nữa, hàm lượng nicotin, tar tương đương so với mẫu đối chứng và hàm lượng nitrosamine giảm từ 48,9 - 55,2% so với đối chứng.
Dựa trên các kết quả thí nghiệm, nhiệm vụ đã xây dựng quy trình sử dụng chế phẩm polyphenol chiết xuất từ cây chè tại công đoạn gia liệu hoặc gia hương trong sản xuất thuốc lá điếu.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2023, Viện đã hoàn thành thực hiện nhiệm vụ cập nhật, bổ sung và số hóa từ điển Anh-Việt, kết quả đã xuất bản được hơn 300 cuốn từ điển thuốc lá Anh – Việt và hoàn thành chạy thử hệ thống tra cứu trên trang web và ứng dụng điện thoại (android, IOS), tạo điều kiện cho các cán bộ trong ngành thuốc lá có cơ hội trải nghiệm tra cứu nhanh chóng phục tốt công tác chuyên môn của mình. Cũng trong thời gian này, từ kết quả của các nhiệm vụ NCKH các cấp, Viện đã tổng hợp và viết các bài báo KHCN đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước. Trong đó có 12 bài đăng trên tạp chí nước ngoài, đa số các bài báo đều được đăng tải trên các tạp chí khoa học công nghệ uy tín. Việc kịp thời đăng tải các bài báo trên đã góp phần giúp Viện giới thiệu được các thành quả nghiên cứu tới rộng rãi bạn bè quốc tế, là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà khoa học trong và ngoài nước.
Mục tiêu cho giai đoạn mới
Nhìn chung, việc xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN của Viện Thuốc lá trong giai đoạn vừa qua đã bám sát vào định hướng Chiến lược phát triển KH&CN của ngành Công Thương. Các nhiệm vụ KHCN đều được triển khai và thực hiện theo đúng nội dung, tiến độ và kinh phí đã được phê duyệt và được Hội đồng KHKT các cấp nghiệm thu đánh giá cao, trong đó có trên 80% số lượng, nhiệm vụ KHCN được nghiệm thu đạt loại khá và xuất sắc.

Đoàn công tác của Viện Thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá Bungaria thăm ruộng trồng tại Cao Bằng
Tất cả nhiệm vụ KHCN đều xuất phát từ nhu cầu sản xuất, một số kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao vào thực tế sản xuất góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành thuốc lá Việt Nam. Kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN giai đoạn 2021-2023 của Viện Thuốc lá cho thấy khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng tạo ra các sản phẩm thúc đẩy phát triển ngành Công Thương. Trong đó, giống thuốc lá vàng sấy D65 tạo ra nguyên liệu có thành phần hóa học chính rất phù hợp cho phối chế để tạo ra các nhãn mác thuốc lá điếu phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng; Giống thuốc lá lai GL9 có đặc tính kháng với một số bệnh hại chính và năng suất cao góp phần ổn định sản xuất nguyên liệu thuốc lá khi áp lực bệnh ngày một gia tăng, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sản xuất; Giống Hanski 227 mở ra triển vọng sản xuất loại nguyên liệu này tại Việt Nam mà không phụ thuộc vào việc nhập khẩu và góp phần tạo việc làm mới.
Nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất của ngành thuốc lá trong nước giai đoạn từ 2024, Viện Thuốc lá sẽ ưu tiên triển khai các hoạt động KHCN với một số định hướng bao gồm: Chọn tạo bộ giống thuốc lá phong phú, phù hợp với điều kiện sinh thái của các vùng sản xuất chính; có khả năng kháng cao với một số bệnh hại chủ yếu; có năng suất cao và đặc biệt là đa dạng về chất lượng để tạo ra các sản phẩm đặc thù, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Ngoài ra, hoàn thiện các khâu kỹ thuật công nghệ sản xuất nguyên liệu thuốc lá để tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt hơn và làm giảm giá thành sản phẩm. Xây dựng mô hình sản xuất nguyên liệu thuốc lá quy mô lớn, cơ giới hóa để tạo ra sản phẩm có tính ổn định cao, giảm giá thành và phù hợp với xu thế nguồn lao động ngày càng hạn chế.
Công ty TNHH MTV Viện Thuốc lá là Doanh nghiệp KHCN, đơn vị thành viên của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam. Được thành lập từ năm 1986, trải qua 38 năm hình thành và phát triển, Viện Thuốc lá hiện là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cho ngành thuốc lá; trung tâm kiểm định, giám định chất lượng các sản phẩm thuốc lá. |
Công ty TNHH MTV Viện Thuốc lá