[In trang]
Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp điều phối ba bên thực hiện JETP
Thứ hai, 28/04/2025 - 13:34
Sáng ngày 25 tháng 4 năm 2025, tại Hà Nội, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (IGIP), Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp điều phối ba bên trong khuôn khổ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Cuộc họp nhằm cập nhật tình hình thực hiện và điều phối các bên trong quá trình triển khai JETP tại Việt Nam. Trao đổi tập trung vào 04 nội dung chính, bao gồm: giới thiệu nhân sự và tư vấn hỗ trợ Cục IGIP và Cục Điện lực (EAVN); đề xuất và các bước trình phê duyệt kiện toàn Ban Thư ký JETP; cập nhật thông tin liên quan đến Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; và tiến độ thúc đẩy hỗ trợ triển khai các dự án thuộc JETP.
Tham dự cuộc họp có đại diện Cục IGIP, Cục EAVN, đại diện Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) từ Đại sứ Quán Anh và Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Liên minh tài chính vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ), Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công chủ trì cuộc họp. 
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương giới thiệu về cơ cấu của Cục tới các đại biểu quốc tế.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe về cơ cấu tổ chức của Cục IGIP, được giới thiệu về các nhân sự và chuyên gia tư vấn sẽ đồng hành, hỗ trợ Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công và Cục Điện lực trong quá trình triển khai JETP.
Đội ngũ nhân sự và chuyên gia này bao gồm các cố vấn chính sách cấp cao trong nước, cố vấn chính sách về biến đổi khí hậu và năng lượng quốc tế, các chuyên gia năng lượng, tài chính, pháp lý, công nghệ…, trong đó nhiều chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong thiết kế và triển khai các dự án năng lượng tại Việt Nam.
Thông tin liên quan đến việc kiện toàn Ban Thư ký JETP, ông Hoàng Văn Tâm - Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh, Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công cho biết, Bộ Công Thương hiện đang đề xuất rút gọn các nhóm công tác hỗ trợ thực hiện JETP xuống còn 2 nhóm công tác, gồm Nhóm Tổng hợp và Hiệu quả năng lượng do Bộ Công Thương chủ trì và Nhóm Thể chế, Tài chính và Chính sách do Bộ Tài chính chủ trì. Trong đó, Nhóm Thể chế, Tài chính và Chính sách được gộp lại từ hai nhóm trước đây (Nhóm Thể chế, Chính sách và Đầu tư và Nhóm Tài chính) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chủ trì.
“Đến nay, chúng tôi cơ bản đã nhận được đầy đủ ý kiến của các bộ, ngành và dự kiến sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ Công Thương trong tuần này để trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định kiện toàn Ban Thư ký JETP”, ông Hoàng Văn Tâm nhấn mạnh.
Ông Tăng Thế Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương cập nhật thông tin về Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.
Cập nhật thông tin về Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, ông Tăng Thế Hùng – Phó Cục trưởng Cục Điện lực, Bộ Công Thương cho biết, Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 4 năm 2025. Dự kiến, trong đầu tháng 5, Bộ Công Thương sẽ ban hành tiếp Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Sau khi Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ có văn bản gửi đến ủy ban nhân dân các tỉnh để các tỉnh cập nhật, đề xuất các danh mục dự án mới.
Ông Hùng thông tin thêm, theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, từ nay đến năm 2030, tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện và điện năng sản xuất sẽ tiếp tục gia tăng mạnh, do đó sẽ có rất nhiều dự án mới về năng lượng tái tạo sẽ cần triển khai. Tuy nhiên, ông Hùng cũng bày tỏ quan ngại về việc thiếu nguồn lực thực hiện cũng như quy trình thực hiện phức tạp, mất nhiều thời gian sẽ khiến các nhà đầu tư e ngại khi tiếp cận các dự án được thực hiện theo cơ chế JETP này.
Do số lượng dự án tiềm năng phù hợp với các tiêu chí JETP có thể lên đến hàng nghìn dự án, ông Hùng đề nghị phía IGP và GFANZ cần đưa ra các tiêu chí đánh giá sơ bộ, nhằm giúp các chủ đầu tư tự rà soát và đánh giá tính phù hợp của dự án trước khi gửi đề xuất chính thức. Việc này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý, mà còn đảm bảo quá trình lựa chọn và triển khai dự án được hiệu quả, tập trung đúng trọng tâm của JETP.
Về việc thúc đẩy các dự án JETP, đại diện IPG cho biết IPG đã ưu tiên và hỗ trợ tài chính cụ thể cho 8 dự án, trong đó đặc biệt là dự án thủy điện tích năng Bắc Ái đã ghi nhận một số tiến triển đáng kể. IPG hiện đã có sẵn nguồn tài chính ODA và sẵn sàng cung cấp hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, các dự án vẫn đang gặp phải một số rào cản và điểm nghẽn nhất định – đặc biệt liên quan đến ODA, các quy định và thủ tục của Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO). Những diễn biến gần đây liên quan đến biểu giá điện (feed-in tariff) cho năng lượng tái tạo cũng được đề cập, vì sự ổn định lâu dài là yếu tố then chốt đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Về phía GFANZ, ông Nguyễn Thành Vinh – Giám đốc quốc gia GFANZ tại Việt Nam bày tỏ mong muốn được tham gia đồng tài trợ cho 8 dự án IPG đang quan tâm, đồng thời muốn được tham gia sâu hơn vào các tiểu nhóm công tác chuyên đề (SWG) trong khuôn khổ JETP, để nắm bắt nhu cầu đầu tư từ sớm và có cơ sở báo cáo với các ngân hàng, tổ chức tài chính tham gia đầu tư.
Phát biểu kết luận cuộc họp, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ đề xuất và rà soát các dự án trong khuôn khổ JETP.
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang đề nghị Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề xuất các dự án mới, đảm bảo thông tin được cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng biểu mẫu quy định. Đây là cơ sở quan trọng để các đối tác quốc tế xem xét hỗ trợ và triển khai hiệu quả.
Bên cạnh đó, bà Giang đề nghị các bên liên quan tiến hành rà soát kỹ lưỡng những khó khăn, vướng mắc hiện đang tồn tại đối với 8 dự án trọng điểm – vốn đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các đối tác quốc tế như IPG và GFANZ – để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Lâm Giang cũng đề nghị đẩy mạnh công tác truyền thông và cập nhật đầy đủ thông tin trên website chính thức của JETP, nhằm đảm bảo tính minh bạch, đồng thời giúp các nhà đầu tư và đối tác quốc tế dễ dàng tiếp cận, theo dõi tiến độ cũng như các cơ chế, chính sách liên quan.
Chương trình JETP