[In trang]
Ứng dụng công nghệ mới vào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
Thứ ba, 22/07/2025 - 13:09
Việc ứng dụng công nghệ mới giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao từ các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp Việt buộc phải chuyển mình mạnh mẽ. Việc ứng dụng công nghệ mới không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yếu tố sống còn với các doanh nghiệp sản xuất trong ngành hóa chất.

Để làm rõ quá trình cũng như những giải pháp ứng dụng công nghệ mới vào nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả tại doanh nghiệp ngành hoá chất, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Khoát, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina).

Yếu tố sống còn trong sản xuất sản phẩm ngành hoá chất

- Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động và các xu hướng sản xuất xanh, thông minh, ông đánh giá như thế nào về vai trò của việc ứng dụng công nghệ mới trong ngành hoá chất?

Ông Nguyễn Đình Khoát: Việc ứng dụng công nghệ mới là yếu tố sống còn đối với ngành sản xuất hoá chất nói chung và lĩnh vực sản xuất săm lốp nói riêng.

Trong lĩnh vực sản xuất săm lốp, xu hướng xe điện (EV) trỗi dậy nhanh chóng với những yêu cầu kỹ thuật rất khác biệt: lốp phải chịu được tải trọng lớn hơn, độ bên cao hơn, kháng lăn thấp và giảm tiếng ồn. Không những vậy, lốp xe còn đối mặt với nguy cơ mài mòn nhanh, tăng nguy cơ phát sinh vi nhựa gây hại cho môi trường.

Yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, kinh tế xanh và trách nhiệm xã hội đối với vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng đang là những thách thức toàn cầu. Các quy định về sản xuất xanh, tiêu chuẩn khí thải và sử dụng vật liệu tái tạo ngày càng chặt chẽ.

Do đó, doanh nghiệp buộc phải đầu tư nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để cải tiến sản phẩm, nâng cao năng suất và bên vững với thiên nhiên. Đây là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp duy trì vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Đình Khoát, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina). Ảnh: Casumina

- Tại Casumina, việc ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đã được thực hiện ra sao?

Ông Nguyễn Đình Khoát: Trong những năm gần đây, Casumina đã xác định rõ công nghệ là động lực trọng tâm để phát triển bền vững.

Tại Casumina, thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn Hoá chất Việt Nam về triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Đảng ủy Công ty đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các phòng chuyên môn triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm hướng xuyên suốt đào tạo, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, phát triển công nghệ sản phẩm.

Casumina đặc biệt chú trọng đến công tác đột phá sáng tạo và phát triển sản phẩm công nghệ mới để duy trì lợi thế cạnh tranh và thích ứng với yêu cầu thị trường

Các hoạt động chính được triển khai bao gồm: đầu tư vào thiết bị máy móc hiện đại, tập trung phát triển các dòng sản phẩm công nghệ cao đáp ứng xu hướng công nghệ của ngành săm lốp thế giới như lốp Radial (bố thép); lốp Radial xe tải, xe buýt (TBR). Đây là những sản phẩm đòi hỏi công nghệ phức tạp.

Casumina cũng tập trung phát triển và mở rộng thị trường cho lốp Radial PCR, hướng tới cả thị trường nội địa và xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ, Bắc Mỹ.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, thành lập Ban chỉ đạo hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cấp công ty để đảm bảo sự lãnh đạo tập trung, xuyên suốt và triển khai hiệu quả các dự án số hóa, đổi mới trên toàn công ty.

Đồng thời, xây dựng mô hình tổ chức theo định hướng số tiên tiến từ các khâu mua sắm, sản xuất, bán hàng, logistics đến quản lý nhân sự và tài chính.

Chúng tôi cũng tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tổ chức các khoá học chuyên sâu về công nghệ 4.0, kỹ năng quản lý hiện đại, tư duy sáng tạo cho toàn thể cán bộ, nhân viên.

Song song với đó, xây dựng cơ chế khuyến khích và đãi ngộ xứng đáng đối với các sáng kiến, cải tiến trong quản lý và sản xuất, cơ chế bảo vệ và khuyến khích những người dám thử nghiệm, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao

- Theo ông, để ngành sản xuất hoá chất và săm lốp có thể ứng dụng công nghệ mới một cách hiệu quả và đồng bộ hơn, cần có những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Đình Khoát: Đây là một câu hỏi lớn và có tính chiến lược. Trên thực tế, đổi mới công nghệ không thể là nỗ lực đơn lẻ của từng doanh nghiệp. Tôi cho rằng cần một tổ hợp giải pháp tổng thể từ thể chế, tài chính đến liên kết ngành.

Thứ nhất, cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong ngành hoá chất. Hiện nay, chi phí đầu tư công nghệ rất lớn, trong khi nguồn lực của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn hạn chế. Việc có quỹ tín dụng ưu đãi, chính sách thuế khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ hoặc các chương trình hợp tác công – tư trong R&D sẽ là cú hích quan trọng.

Thứ hai, cần đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi ngành, từ nhà cung ứng nguyên liệu, nhà sản xuất thiết bị, doanh nghiệp sản xuất đến các đơn vị nghiên cứu, viện trường. Mô hình này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tránh trùng lặp đầu tư và chia sẻ được tri thức, kinh nghiệm ứng dụng thực tiễn.

Thứ ba, cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, không chỉ là kỹ sư mà cả đội ngũ công nhân kỹ thuật có kỹ năng vận hành, bảo trì thiết bị hiện đại. Công nghệ có thể mua, nhưng nhân lực chất lượng cao thì phải đào tạo dài hạn.

Cuối cùng, cần có thị trường và khách hàng sẵn sàng đón nhận sản phẩm công nghệ cao. Đây là một bài toán về truyền thông, giáo dục tiêu dùng và chính sách ưu tiên sử dụng sản phẩm trong nước. Khi người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm nội địa chất lượng cao, doanh nghiệp sẽ có động lực và điều kiện để đầu tư đổi mới công nghệ nhiều hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ứng dụng công nghệ mới đang trở thành giải pháp chiến lược giúp doanh nghiệp hóa chất nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tối ưu chi phí. Đây cũng là hướng đi tất yếu để thích ứng với thị trường toàn cầu, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe về kỹ thuật, môi trường và phát triển bền vững.

Theo Báo Công Thương