Dự án FIRST: “Bà đỡ” cho các sản phẩm khoa học
Thứ ba, 10/03/2020 - 16:00
Sau 6 năm triển khai Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (Dự án FIRST), những kết quả đạt được đều rất ấn tượng.
Sau 6 năm triển khai Dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (Dự án FIRST), những kết quả đạt được đều rất ấn tượng. Đa số các tiểu dự án của FIRST đã có những đóng góp tích cực, mở ra giai đoạn mới đối với phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Qua việc thực hiện tiểu dự án “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ để phát triển sản xuất và chế biến tảo xoắn Spirulina trên quy mô công nghiệp và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ tảo”, Công ty CP Khoa học xanh (HIDUMI PHARMA) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm mới, sáng tạo từ ứng dụng các tiến bộ KH&CN và đã được thương mại hóa tốt trên thị trường. Cụ thể, tảo xoắn Spirulina được chế biến theo các dạng thực phẩm chức năng như: Tảo sấy khô, tảo bột, tảo viên nang, tảo tươi; chế phẩm từ phụ phẩm tảo sử dụng xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản; phụ phẩm tảo làm phân bón hữu cơ trên rau, cây ăn quả...

Sản phẩm đồ chơi giáo dục thuần Việt với tên gọi MagicBook
Hay, như việc thực hiện tiểu dự án “Làm chủ công nghệ trồng và chế biến tơ sợi chất lượng cao từ cây gai xanh phục vụ sợi cho ngành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm” của nhóm hợp tác gồm 7 thành viên là các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, nhà khoa học do Công ty CPĐầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước là thành viên đứng đầu.Nhóm đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ trong chuỗi liên kết khép kín từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, tách, xử lý sợi cây gai xanh bằng các chủng vi sinh đặc hiệu, công nghệ trong sản xuất hàng gia dụng, công nghệ chế biến phân hữu cơ nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ cây gai xanh tại Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc phục vụ trong nước và xuất khẩu, góp phần đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu của ngành dệt may với công suất 2.500 tấn/năm.
Cũng với sự hỗ trợ từ Dự án FIRST, Công ty CP Dịch vụ và Truyền thông Minh Việt đã làm chủ công nghệ nhận diện hình ảnh, machine learning (học máy)… trong lĩnh vực ứng dụng cho các sản phẩm giáo dục, quảng cáo và giải trí. Đặc biệt, là việc tạo ra bộ sản phẩm đồ chơi giáo dục thuần Việt mang tính sáng tạo độc đáo với tên gọi MagicBook. Đólà sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa công nghệ và giáo dục, giữa sự sáng tạo không ngừng với những giá trị giáo dục không đổi qua thời gian. Đến thời điểm hiện tại, đây là sản phẩm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cũng như thị trường khu vực châu Á. Trên thế giới hiện chỉ có thương hiệu duy nhất của Mỹ là Osmo có cùng ý tưởng về mô hình kết hợp giữa đồ chơi vật lý và phần mềm có tính giáo dục cho trẻ em.

Một ví dụ khác là Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã làm chủ công nghệ chọn tạo và nâng cao năng lực sản xuất giống lúa có đặc tính nổi trội, giá trị kinh tế cao, góp phần đảm bảo sự tự chủ của viện. Cụ thể, 4 giống lúa mới trong đó có 2 giống (OM20 và OM108) có thể thay thế giống IR50404 do có năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh, điều kiện bất lợi và tính thích nghi cao hơn; 2 giống (OM355 và OM375) có phẩm chất tương đương Jasmine 85 nhưng năng suất cao hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn và có thể bổ sung vào cơ cấu giống lúa thơm, chất lượng cao cho sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước. Sau khi kết thúc tiểu dự án FIRST, doanh thu của viện đã tăng 118% so với năm trước, tăng năng lực tự chủ lên 40%.
Đây chỉ là một trong nhiều minh chứng điển hình cho thấy, dự ánFIRST đã phát huy hiệu quả vai trò “bà đỡ”, tạo động lực cho hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.Dự án FIRST là dự án đầu tiên do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ cho hoạt động KH&CN ở Việt Nam.Với tổng mức đầu tư 110 triệu USD, mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ phát triển KH&CN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho Việt Nam thông qua thí điểm một số chính sách mới; thu hút chuyên gia KH&CN giỏi quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, tăng cường liên kết doanh nghiệp với viện/trường, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp KH&CN.
Ông Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ KH&CN - nhấn mạnh,sau 6 năm triển khai, những kết quả dự án đã đạt được đều rất ấn tượng, cơ bản đúng với mục tiêu. Cụ thể,dự án đã giúp kết nối với hơn 600 nhà KH&CN nước ngoài, trong đó có hơn 100 nhà khoa học trực tiếp thực hiện các nội dung hợp tác ở Việt Nam. Đặc biệt, có 30 nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước để chuyển giao hơn 70 quy trình công nghệ, đào tạo nâng cao và chia sẻ phương pháp nghiên cứu tiên tiến cho các đồng nghiệp trong nước. Thu hút 77 doanh nghiệp tư nhân tham gia, đầu tư trực tiếp gần 400 tỷ đồng để thực hiện các dự án làm chủ công nghệ tạo ra 50 sản phẩm mới có giá trị gia tăng từ công nghệ.
Sau khi kết thúc dự án, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng nhà máy sản xuất quy mô lớn. Bên cạnh đó, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với 108 hạng mục gồm các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, phần mềm, trong đó có 2 sáng chế được cấp ở Hoa Kỳ; 16 tổ chức KH&CN công lập được đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, 10 phòng thí nghiệm hiện đại đạt chứng chỉ ISO và công nhận VILAS đủ năng lực cung cấp các dịch vụ KH&CN đạt chuẩn quốc tế, làm chủ công nghệ hiện đại, tự chủ và tự tin trong chiến lược tự chủ tiếp cận thị trường. Ngoài ra, còn đào tạo chuyên môn sâu và theo ê-kip cho hơn 150 nhà khoa học Việt Nam tại các phòng thí nghiệm hiện đại của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Canada, Israel, Đài Loan và công bố 105 bài báo quốc tế.
Dự án FIRST đã đặt nền móng rất vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho những đổi mới sáng tạo trong tương lai tại Việt Nam. Sau dự án FIRST, Bộ KH&CN và WB cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác hơn nữa để đưa các hoạt động đổi mới sáng tạo thành động lực phát triển cho nền kinh tế. |
Quỳnh Nga