[In trang]
1.212 tỷ đồng cho khuyến công quốc gia đến năm 2020
Thứ ba, 16/09/2014 - 14:12
Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, nguồn kinh phí hỗ trợ dự kiến lên tới 1.212 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều nguồn lực hơn nữa hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, nguồn kinh phí hỗ trợ dự kiến lên tới 1.212 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều nguồn lực hơn nữa hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn.

1.212 tỷ đồng cho khuyến công quốc gia đến năm 2020

Theo Chương trình khuyến công quốc gia được phê duyệt, đến năm 2020, nỗ lực hướng tới mục tiêu huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công. Khuyến khích sản xuất sạch hơn tại các cơ sở công nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên….

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp địa phương, thực hiện công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá, chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2015 phấn đấu đào tạo cho khoảng 40.000 lao động tại các cơ sở công nghiệp nông thôn. Một trong những hoạt động mới được đánh giá cao, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn bền vững đó là hỗ trợ để giúp khởi sự doanh nghiệp thành công. Theo đó, mục tiêu của Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2015 sẽ hỗ trợ khoảng 4.000 lượt học viên tham gia các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp. Cùng với đó là hỗ trợ xây dựng 40 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng thiết bị máy móc công nghiệp cho 250 cơ sở.… Đồng thời, nâng cao năng lực tư vấn phát triển công nghiệp cho các tổ chức dịch vụ công. Xây dựng quy trình, quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về khuyến công….

Cũng với định hướng đó, giai đoạn 2016-2020, chương trình nâng mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 100.000 lao động cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; nâng mục tiêu hỗ trợ cho khoảng 10.000 lượt học viên tham gia các khoá đào tạo khởi sự doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, hội nghị, hội thảo chuyên đề; hỗ trợ xây dựng 160 mô hình trình diễn kỹ thuật; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất cho 600 cơ sở công nghiệp nông thôn; hỗ trợ 1.400 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải chung cho 120 cụm công nghiệp.…

Đáng lưu ý, để thực hiện được mục tiêu, Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 dự kiến được hỗ trợ khoảng 1.212 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Đây thực sự là nguồn lực không nhỏ khuyến khích, thu hút các đối tượng tham gia.

Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 được thực hiện đúng lộ trình và đạt hiệu quả cao. Theo đó, hoàn thiện cơ chế chính sách về hoạt động khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và đồng bộ với các chính sách khác như: Chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi tín dụng.…

Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công. Thiết lập và tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Đặc biệt, ngoài nguồn kinh phí ngân sách hỗ trợ cho hoạt động khuyến công, chương trình sẽ lồng ghép với các dự án, chương trình khác để khuyến khích thu hút nguồn vốn của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nhằm đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn.

Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện về khuyến công. Xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chương trình. Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước huy động nguồn vốn và các nguồn lực cho hoạt động khuyến công…

Theo VEN