[In trang]
Nhân lực ngành Công Thương: Đổi mới và đáp ứng yêu cầu hội nhập
Thứ hai, 24/08/2020 - 10:35
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực (PTNNL) năm 2020; tạo tiền đề triển khai những nhiệm vụ quan trọng năm 2021 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 - 2025.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện các nhiệm vụ, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực (PTNNL) năm 2020; tạo tiền đề triển khai những nhiệm vụ quan trọng năm 2021 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 - 2025.
Theo báo cáo "Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực năm 2020" của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương), từ đầu năm đến nay, một số kế hoạch, nhiệm vụ PTNNL của Bộ đã được đẩy mạnh. Cụ thể: Tiến hành xây dựng đề cương "Chương trình liên kết đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, công nhân kỹ thuật cao giữa các trường đại học, trường đào tạo nghề với các doanh nghiệp theo nhu cầu và địa chỉ của ngành Công Thương trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0"; định hướng, quản lý giám sát hoạt động giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; củng cố và xây dựng các mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường; hoàn thành việc giao nhiệm vụ, kinh phí, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, dạy nghề, bồi dưỡng theo hiệp định, đề án, chính sách Vụ được giao chủ trì hàng năm.

Khâu đào tạo giữ vai trò then chốt
Về hợp tác quốc tế, Vụ Tổ chức cán bộ đã triển khai thực hiện Dự án "Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện" (SKEIG I), đã hoàn thành đề xuất cho Dự án vay vốn ADB pha 2; tiếp tục triển khai mô hình đào tạo kỹ sư thực hành (mô hình KOSEN) cho các trường trực thuộc Bộ; dự kiến tổ chức tọa đàm kết nối doanh nghiệp Nhật Bản và các trường vào tháng 9; hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hợp tác Siemens đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp 4.0 và năng lượng. Đồng thời, Vụ đã tham gia xây dựng, góp ý trên 40 văn bản và ban hành hơn 10 văn bản phổ biến, hướng dẫn các trường thực hiện chế độ, chính sách…
Bên cạnh những kết quả đạt được, PTNNL còn gặp nhiều khó khăn. Hoạt động của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Công Thương đều bị gián đoạn do dịch Covid-19; các cơ sở đào tạo khó khăn trong huy động nguồn thu để trả lương và cân đối thu, chi. Một số nhiệm vụ theo chương trình, đề án, chính sách đào tạo mà Bộ đang thực hiện cũng chậm tiến độ do dịch bệnh, như: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình mục tiêu dạy nghề, việc làm và an toàn lao động.
Đặc biệt, hiện, tỷ lệ cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài chưa phù hợp với điều kiện, khả năng trả nợ của các cơ sở đào tạo cần đầu tư vốn nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Một số nhiệm vụ hợp tác quốc tế của Bộ với các tổ chức quốc tế trong đào tạo và PTNNL bị hạn chế do dịch Covid-19 dù đã áp dụng các hình thức họp, trao đổi trực tuyến. Bên cạnh đó, việc dừng đào tạo trình độ cao đẳng năm 2020 cũng đang gây khó cho các trường khi chưa kịp chuyển đổi công việc đối với đội ngũ giáo viên, khai thác sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị hiệu quả do giảm thời lượng thực hành...
Trước những tồn tại, vướng mắc trên, Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị, đối với các nhiệm vụ thực hiện chương trình, đề án… chưa kịp thực hiện, giải ngân năm 2020, cho chuyển sang năm 2021; Dự án SKEIG I được ghi vốn kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và bố trí vốn theo tiến độ được xem xét bổ sung vốn cho triển khai chuẩn bị thực hiện trong năm 2020. Ngoài ra, cần sửa đổi Nghị định 97/2018/NĐ-CP về vay ưu đãi nước ngoài phù hợp với điều kiện, khả năng của các cơ sở đào tạo; sớm có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các trường đại học khai thác sử dụng đội ngũ, cơ sở vật chất đào tạo cao đẳng nghề hiệu quả sau khi dừng đào tạo cao đẳng.
Trên cơ sở những kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho công tác PTNNL, Vụ Tổ chức cán bộ cũng đã xây dựng các kế hoạch, nhiệm vụ cho năm 2021 với nhận định đây là năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện một loạt chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và các chương trình, kế hoạch hành động cho giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tổ chức lại các trường theo hướng mở và linh hoạt, cùng một trường có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công; quy mô, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhân lực thị trường lao động; chuẩn hóa, hiện đại hóa, phân tầng chất lượng. Đồng thời, tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo; nâng cao hiệu quả quản lý giám sát của Bộ, tiếp tục hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong mọi mặt hoạt động của cơ sở đào tạo trực thuộc.
Theo Báo Công Thương