Thứ bảy, 26/04/2025 | 00:44 GMT+7
Năng suất là yếu tố then chốt cho sự phát triển của một quốc gia, là yếu tố quyết định sự tồn tại của một doanh nghiệp. Chất lượng cuộc sống, tiêu chuẩn mức sống được xác định bởi năng suất của nền kinh tế. Trên thế giới, các nước phát triển cũng như đang phát triển đều có những nỗ lực để cải tiến và tăng trưởng năng suất một cách ổn định. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, cùng tồn tại trong cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ sẽ giữ vai trò quan trọng hàng đầu. Điều này đòi hỏi hoạt động năng suất và chất lượng phải có những nhận thức mới.
Phong trào năng suất và chất lượng ở các nước trong khu vực như Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ đã hình thành và phát triển từ hàng chục năm nay (Nhật Bản từ năm 1955, Singapore từ năm 1981).
Theo báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2006-2007 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở vị trí thứ 77/125 về khả năng cạnh tranh. Các sản phẩm công nghiệp vẫn chỉ dừng lại ở lắp ráp, như ô tô, xe máy… tài nguyên nước ta chủ yếu vẫn là khai thác và xuất khẩu thô, sơ chế với giá rẻ hơn nhiều lần so với giá nhập về sau khi đã qua tinh chế… Ngoại trừ một số hàng hóa xuất khẩu như hàng dệt may, da giầy, nhựa, thủy sản chế biến, các hàng hóa khác nói chung chất lượng chưa tốt, chưa ổn định, giá thành cao, đặc biệt là các sản phẩm, hàng hóa của ngành cơ khí và luyện kim, ô tô, đóng tàu, ngành hóa chất phục vụ nông nghiệp, công nghiệp tiêu dùng. Ngành nông sản thực phẩm vốn là một ngành có thế mạnh của nước ta, tuy nhiên chất lượng các hàng nông sản chủ yếu như gạo, tiêu, cà phê, cao su vẫn được đánh giá chưa cao, chưa ổn định, có lúc chưa đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Theo số liệu về tổng sản phẩm trong nước (GDP) theo giá thực tế và số lượng lao động làm việc trong Niên giám Thống kê của Tổng cục Thống kế, tính được mức năng suất lao động toàn nền kinh tế của Việt Nam năm 2005 đạt 19,62 triệu đồng. Nếu quy đổi mức năng suất lao động từ giá thực tế (VNĐ) theo tỷ giá hối đoái thành đô la Mỹ (1USD = 15.858 VNĐ) để dễ so sánh với các nước thì năng suất lao động của nền kinh tế Việt Nam năm 2005 đạt 1.237 USD. Nếu tính riêng 6 nước trong khối ASEAN (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippine, Indonesia và Việt Nam) thì Singapore dẫn đầu và Việt Nam ở vị trí cuối. Năng suất lao động năm 2005 của Việt Nam bằng 2,35% so với Singapore, 10,95% so với Malaysia, 28,7% so với Thái Lan, 44,07% so với Philippine và 63,37% so với Indonesia.
Thống kê tỷ trọng đóng góp của các yếu tố làm tăng GDP của nước ta thời kỳ từ năm 2003 đến nay cho thấy, mức đóng góp của yếu tố vốn là 52,7%, lao động là 19,1% và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) là 28,2% (Nguồn: Kinh tế Việt Nam 2003-2004 và Thời báo kinh tế Việt Nam). So với các nước, tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ trọng thấp.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng nêu trên, ngoài các lý do về trình độ kỹ thuật và công nghệ sản xuất, những yếu tố liên quan đến con người như yếu kém về năng lực tổ chức và quản lý, trình độ và kỹ năng của đội ngũ lao động và nhân viên kỹ thuật đã nổi lên ngày càng rõ rệt, thể hiện cụ thể ở các điểm dưới đây:
Việt Nam mới khởi xướng phong trào này từ 1996 với quy mô còn hạn hẹp, chưa gắn kết các biện pháp một cách đồng bộ. Tuy nhiên, với thuận lợi là nước đi sau, nếu biết đón nhận, khai thác các lợi thế và cơ hội, chủ động rút kinh nghiệm, học hỏi các nước đi trước thì việc nhân rộng và đẩy nhanh phong trào này là hoàn toàn khả thi. Chính vì vậy, phong trào năng suất và chất lượng của Việt Nam cần được tạo dựng và chỉ đạo tập trung, đặc biệt từ tầm vĩ mô với các chiến lược và chương trình hành động cấp quốc gia phù hợp thì mới có thể đạt được những bước đột phá, hướng vào mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước.
Trước thực tế đó, ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” với mục tiêu: Xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong phạm vi của Chương trình, Bộ Công Thương được giao xây dựng Dự án số 3 “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của ngành Công nghiệp” để trình Chính phủ phê duyệt và thực hiện trong giai đoạn 2011-2020. Nội dung Dự án gồm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá chủ lực thuộc lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn trên cơ sở áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng phù hợp với đặc thù của ngành, doanh nghiệp; đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao chất lượng, hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị gia tăng, giá trị nội địa trong sản phẩm công nghiệp.
Để khởi động Dự án, Vụ Khoa học và Công nghệ - Bộ Công Thương đã cử Lãnh đạo Vụ tham gia Ban Điều hành Chương trình, góp ý dự thảo Thông tư Liên tịch hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí của Chương trình. Đồng thời, ngay trong năm 2010, Bộ đã có công văn thông báo tới các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ yêu cầu đề xuất tham gia Dự án và đăng tải Biểu mẫu đăng ký Dự án trên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương (từ ngày 24/3/2011) thông báo để các doanh nghiệp tiếp tục đề xuất tham gia Dự án.
Đối tượng sản phẩm theo Thông báo, ngoài các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chủ lực thuộc Danh mục ưu tiên, mũi nhọn ban hành kèm theo Quyết định số 55/2007/QĐ-TTg ngày 23/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn giai đoạn 2007-2010, tầm nhìn đến năm 2020 và một số chính sách khuyến khích phát triển, còn có thêm các sản phẩm thuộc Danh mục khuyến khích phát triển ban hành theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Hiện tại, Bộ đã nhận được ý kiến trả lời của 11 đơn vị doanh nghiệp gồm: Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam; Công ty CP Phát triển Phụ gia và Sản phẩm dầu mỏ APP; Công ty CP Nhựa Việt Nam; Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Trên cơ sở đề xuất từ các đơn vị, Vụ Khoa học và Công nghệ tiến hành triển khai xây dựng dự thảo Đề cương Dự án.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, đã xuất hiện một số vấn đề phát sinh cầm sớm được xem xét giải quyết, cụ thể là:
- Theo quy định tại Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nguồn vốn thực hiện chủ yếu là của doanh nghiệp. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn... do đó, các doanh nghiệp chưa thấy rõ những ưu đãi, hỗ trợ nên không thực sự hào hứng với Chương trình này. Các doanh nghiệp có thể tham gia Chương trình này hầu hết đã tham gia các Chương trình khác với nhiều ưu đãi hơn (ví dụ: Chương trình Cơ khí trọng điểm; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình phát triển sản phẩm công nghệ cao; Chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn...).
- Triển khai thực hiện Chương trình vào thời điểm hiện nay khi mà các kinh phí từ NSNN theo năm kế hoạch đã được phân bổ hết, các công việc cần triển khai phải được xây dựng theo kế hoạch năm 2012, do đó sẽ bị chậm.
- Rất nhiều nội dung của Chương trình quốc gia cũng như của Dự án do các Bộ ngành xây dựng trùng lặp với nội dung từ các Chương trình khác đang có hiệu lực thi hành. Do vậy, việc xem xét, bóc tách hoặc lồng ghép nội dung của Chương trình năng suất chất lượng với nội dung của các chương trình quốc gia hoặc quy hoạch ngành khác là hết sức quan trọng.
Lãnh đạo hai Bộ Công Thương và Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc trao đổi nội dung và phương thức phối hợp triển khai thực hiện dự án của ngành Công Thương theo tiến độ chung của chương trình quốc gia, phát hiện và trao đổi phương thức tháo gỡ những tồn tại nêu trên để các doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào Dự án thiết thực này./.
Bảo Ạnh
Năng suất và chất lượng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ, có thể tác động đáng kể đến sự thành công của một doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân.
03/04/2025