Bộ Công Thương, cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công
IGIP IGIP

Thứ ba, 29/04/2025 | 11:00 GMT+7

Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Nhà máy điện hạt nhân vì hòa bình đầu tiên của nhân loại

22/06/2013
Sau 48 năm hoạt động an toàn mà bằng chứng là không một nhân viên vận hành nào gặp nguy hiểm và môi trường xung quanh không hề bị ô nhiễm, Nhà máy điện nguyên tử Obninski đã buộc phải đóng cửa vì quá hạn sử dụng so với thiết kế gần 20 năm.

Năm 2002, trong lễ kí biên bản“Ngừng vận hành Nhà máy điện nguyên tử Obninski”, ông Konovalov Vladimir Andrevich – một cán bộ lão thành của Nhà máy đã nghẹn ngào nói: “Chúng tôi cảm thấy đau buồn khi nhà máy không còn tồn tại. Cùng với thời gian, người ta sẽ quên dần tên tuổi của những người đã xây dựng nên Nhà máy này và nhiều tình tiết sẽ chìm sâu trong lịch sử, nhưng sự kiện dùng phản ứng hạt nhân để phục vụ các mục đích hòa bình sẽ còn sống mãi trong tâm trí mọi người…”.

 

 

Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, căn cứ vào những diễn biến về kinh tế, chính trị trên thế giới, ngày 16-5-1950, Hội đồng Bộ trưởng Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết quyết định phải xây dựng bằng được một nhà máy điện nguyên tử tại Liên Xô.

Thành phố Obninski thuộc nước Cộng hòa Liên bang Nga được chọn là địa điểm xây dựng và Viện sĩ I.V. Kurchatov – người đã chế tạo ra quả bom nguyên tử đầu tiên của Liên Xô được cấp trên tin tưởng, lựa chọn là người lãnh đạo Dự án Nhà máy điện nguyên tử.

Chính Viện sĩ I.V. Kurchatov đã đề xuất với cấp có thẩm quyền, đặt tên cho Dự án do mình phụ trách là “Nhà máy điện nguyên tử vì mục đích hòa bình” để phân biệt với một số chương trình phát triển vũ khí hạt nhân ở các nước khác.

Không giống như bọn Đức quốc xã trước đây đã nuôi cấy virut trong lớp vỏ bảo vệ lò phản ứng nguyên tử để… chống người lạ đột nhập, nhưng Dự án Nhà máy điện nguyên tử vì mục đích hòa bình của Liên Xô cũng được giữ bí mật đến mức những người ở các bộ phận khác nhau trong cùng một Nhà máy cũng không hay biết ở chỗ họ làm việc, người ta đang xây dựng công trình gì…

Trước khi xây dựng Nhà máy điện nguyên tử Obninski, ở Liên Xô, các nhà bác học đã chế tạo ra các lò phản ứng hạt nhân. Khó khăn đặt ra đối với họ là phải làm thế nào để có thể chuyển đổi phản ứng nhiệt hạch trong chế tạo bom nguyên tử trước đây thành điện năng, phục vụ cho công cuộc tái thiết đất nước.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Liên Xô đã tổn thất hơn 20 triệu sinh mạng, 1.700 thành phố bị phá hủy, hơn 30.000 nhà máy, xí nghiệp bị tê liệt, lực lượng cán bộ và công nhân kĩ thuật thiếu trầm trọng. Mười năm đầu sau chiến tranh, điều kiện làm việc của mọi người không khác mấy so với thời chiến: công nhân phải lao động nặng nhọc và sống trong các căn nhà tồi tàn, không có lò sưởi; lương thực, thực phẩm, thuốc men thiếu thốn; tỉ lệ người bị tử vong do ốm đau, dịch bệnh rất cao.

Sống và làm việc trong bối cảnh như vậy nhưng chỉ trong hơn ba năm, các nhà bác học, kĩ sư và công nhân Liên Xô đã thiết kế, chế tạo, xây dựng được cả một nhà máy điện nguyên tử là một kì tích mà chưa một quốc gia nào trên thế giới làm được. Lòng yêu nước và phẩm giá của những con người Xô Viết vừa đánh tan đạo quân phát xít bạo tàn cùng với niềm hứng khởi được biết mình đang thiết kế hệ thống cho nhà máy điện nguyên tử đầu tiên, cho mô hình sử dụng phản ứng nhiệt hạch đầu tiên vì mục đích hòa bình là một trong những yếu tố giúp những người lao động chân chính Xô Viết hoàn thành bản thiết kế và thực hiện nó trong một thời gian ngắn kỉ lục…

Có thể nói rằng, ở thời điểm đó, nhiệt huyết của các nhà bác học và kĩ sư  tài ba chính là chìa khóa để đất nước Xô Viết mở ra cánh cửa đi tới sự thành công trước cả các cường quốc khác. Theo quyết định của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, họ phải thiết kế, xây dựng được nhà máy điện trên cơ sở lò phản ứng uran – graphit làm mát bằng nước. Dưới sự lãnh đạo của Viện sĩ I.V. Kurchatov, rất nhiều nhà bác học và công trình sư đã miệt mài làm việc trong hơn hai chục cơ quan tham gia Dự án Điện nguyên tử vì mục đích hòa bình. Các cơ quan này đã thay đổi tên gọi nhưng hiện vẫn tồn tại và trở thành các trung tâm nghiên cứu hạt nhân rất có uy tín của Nga.

Để đảm bảo bí mật, “Phòng thí nghiệm V” - tên gọi của Dự án lúc đó, được bố trí tại phía bắc tỉnh Kaluga nhằm tránh sự nhòm ngó của các cơ quan tình báo nước ngoài và mặt khác, thuận tiện cho việc vận chuyển vật tư, thiết bị. Cùng với sự lao động nghiêm túc của các nhà bác học khác, chỉ sau một thời gian ngắn, Viện sĩ  I.V. Kurchatov đã hoàn thành phác thảo Dự án “Phòng thí nghiệm V” và được Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô thông qua ngày 12-6-1951.

Giám đốc đầu tiên của “Phòng thí nghiệm V” là nhà bác học Dmitri Ivanovich Blokhintsev. Thời trai trẻ, ông rất say mê những thí nghiệm hạt nhân nguyên tử. Sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Moskva, ông đã phát triển thành công lí thuyết vật lí và cơ học lượng tử, vật lí chất rắn, vật lí lò phản ứng.

Một “ngôi sao” nữa trong số những cộng sự của Viện sĩ I.V. Kurchatov là công trình sư N.A. Dollezhal. Ông được mệnh danh là “người có khả năng tạo ra những bước tiến bất ngờ trong thế giới bí ẩn” bởi trong trí não ông, luôn có những suy nghĩ giành cho công việc. Có lần, cầm trong tay bao diêm và chơi trò tung hứng để giải trí, ông nhận thấy bao diêm lúc thì nằm ngang, khi thì thẳng đứng khiến các que diêm cũng thay đổi vị trí tương ứng. Đột nhiên, ông nảy sinh ý tưởng thiết kế các đường ống công nghệ trong vùng hoạt theo chiều thẳng đứng chứ không nằm ngang như của Mỹ. Hiệu quả của giải pháp này được toàn thế giới công nhận và áp dụng trong tất cả các lò phản ứng nguyên tử hiện đại.

Rất nhiều bài toán hóc búa lúc đó, đã được các nhà bác học Xô Viết tìm ra lời giải đáp. Ví dụ, họ quyết định thay thế vỏ thanh nhiên liệu bằng thép không gỉ, có thể chống được sự ăn mòn, chịu được nhiệt độ cao và hàn kín hai đầu sau khi nạp những viên nhiên liệu hạt nhân ở bên trong. Từ uran giàu, các nhà bác học tạo ra hợp kim uran – molipđen rồi nghiền mịn để đổ vào thanh nhiên liệu và tưới thêm magiê nóng chảy nhằm nâng cao khả năng truyền nhiệt của phản ứng nguyên tử.

Ngày 9-5-1954, công tác “khởi động vật lí” của Dự án thu được kết quả tốt: trong lò phản ứng đã bắt đầu xuất hiện những phản ứng hạt nhân dây chuyền. Ngày 26-6-1954, hơi nước từ lò phản ứng hạt nhân được bơm sang buồng tuốc bin và tác động tới máy phát, tạo ra dòng điện. Như vậy là, Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của loài người bắt đầu hoạt động.

Ngay ngày hôm sau, Hãng thông tấn Liên Xô TASS đã lay động trái tim nhân dân toàn thế giới bằng bản tin: “Với những nỗ lực phi thường của các nhà bác học và kĩ sư Xô Viết, nhà máy điện nguyên tử vì mục đích hòa bình với công suất 5000 kW, đã được vận hành và phát ra dòng điện đầu tiên để phục vụ sản xuất…”.

Trước đó, nhân loại bị ám ảnh bởi phản ứng nhiệt hạch của những quả bom nguyên tử đã thả xuống Hirosima và Nagasaki, gây chết chóc, thảm họa cho nước Nhật nên ngay cả giới truyền thông thế giới cũng bàng hoàng, kinh ngạc khi nhận được tin năng lượng nguyên tử đã biến thành dòng điện phục vụ con người tại Liên bang Xô Viết. Phóng viên tờ Daily Worker của Anh bình luận: “Sự kiện lịch sử này có ý nghĩa quốc tế vô cùng trọng đại, hơn hẳn sự kiện Mỹ ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hirosima”…

Cũng như bất cứ một sự khởi đầu nào khác, chỉ sau hai tháng vận hành, Nhà máy điện nguyên tử Obninski đã gặp trục trặc vì một loạt vấn đề: nước chảy ra từ hệ thống bảo vệ, chất graphit làm chậm bị oxy hóa, khí ga thất thoát từ bên trong lò, vỏ bọc thanh nhiên liệu bị hở, thép không gỉ bị ăn mòn dưới tác động của ứng suất cơ học…

Tất cả những sự cố trên đây đã dần được khắc phục vì như ý kiến của một nhà lãnh đạo ngành Năng lượng nguyên tử: người Xô Viết xây dựng Nhà máy điện nguyên tử đầu tiên không phải để…chấm điểm, không phải để báo cáo thành tích!

 Sau 48 năm hoạt động an toàn mà bằng chứng là không một nhân viên vận hành nào gặp nguy hiểm và môi trường xung quanh không hề bị ô nhiễm, Nhà máy điện nguyên tử Obninski đã buộc phải đóng cửa vì quá hạn sử dụng so với thiết kế gần 20 năm. “Sự đau buồn” của những cán bộ lão thành đã gắn trọn đời mình với Nhà máy cũng như niềm tự hào của họ là điều chúng ta có thể hiểu được bởi chính đây là nơi khởi thủy của các nhà máy điện nguyên tử trên toàn thế giới…

    Bài và ảnh Phương Đông

 

 

 

 

 

 

 

 

Trên 3 - Ngày đổi mới sáng tạo
Trên 1 - Thông tin hoạt động Cục