Bộ Công Thương, cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công
IGIP IGIP

Thứ bảy, 24/05/2025 | 17:54 GMT+7

Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Ngành Công Thương đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết 57-NQ/TW

20/05/2025
Chiều ngày 19 tháng 5 năm 2025, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị chuyên đề triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Hội nghị là hoạt động hưởng ứng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 (18/5/2013 – 18/5/2025). 
Hội nghị nhằm tổng kết kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua và định hướng trọng tâm giai đoạn 2026-2030, góp phần hiện thực hóa khát vọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoàng Long - Thứ trưởng Bộ Công Thương; đồng chí Cao Quốc Hưng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc ngành Công Thương, Trường đại học trực thuộc Bộ; đại diện các tổ chức khoa học và công nghệ, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp ngành Công Thương và đông đảo cơ quan báo chí trong và ngoài Bộ.
Hội nghị là hoạt động hưởng ứng Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 (18/5/2013 – 18/5/2025). 

Triển khai đồng bộ và toàn diện khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Báo cáo về triển khai công tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH, CN, ĐMST) của Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Lâm Giang Cục trưởng Cục Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xnah và khuyến công (Cục ĐCK) cho biết: Trong giai đoạn 2020-2025, công tác KH, CN, ĐMST của ngành Công Thương đã được triển khai đồng bộ và toàn diện, trong đó tập trung vào công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, xác định những ưu tiên chiến lược trong phát triển KH, CN và ĐMST của toàn Ngành cũng như các lĩnh vực ưu tiên; tổ chức sắp kiện toàn, sắp xếp bộ máy triển khai thực hiện; đổi mới tư duy và phương thức quản lý theo hướng minh bạch, hiện đại. 
Việc nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất - kinh doanh đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương theo hướng hiện đại, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu. Các nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ của Bộ Công Thương tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Nhiều nghiên cứu được hình thành, triển khai trên cơ sở mô hình liên kết giữa Viện – Trường – Doanh nghiệp. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, được vinh dự trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KHCN.
Bà Nguyễn Thị  Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công báo cáo kết quả hoạt động KH, CN và ĐMST ngành Công Thương
Về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, Bộ Công Thương đã chủ động tham gia xây dựng, đóng góp nội dung quan trọng trong quá trình ban hành các văn bản chiến lược như Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 71/NQ-CP và Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội xem xét thông qua. Ngay sau khi các văn bản trên được ban hành, Bộ Công Thương đã tổ chức xây dựng Kế hoạch, phân công thực hiện đối với các đơn vị trong Bộ đảm bảo bám sát các nhiệm vụ được giao và tiến độ đề ra.
Song song với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chúng ta cũng đã chủ động hơn trong việc Xác định các định hướng ưu tiên, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, xây dưng kế hoạch KHCN cho giai đoạn mới 2026-2030. Căn cứ Chiến lược phát triển KH, CN và ĐMST phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030, Bộ đã hướng dẫn các đơn vị trong Bộ, các Viện, Trường, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp xây dựng Kế hoạch KH&CN giai đoạn 2026-2030. Các nhiệm vụ ưu tiên trong Kế hoạch sẽ bám sát định hướng, chủ trương và nhiệm vụ giao Bộ Công Thương tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ; đồng thời, gắn với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giao Bộ Công Thương trong các Nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành Công Thương; bám sát định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển ngành Công Thương và các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực do Bộ Công Thương quản lý; nhiệm vụ phục vụ công tác xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Công tác quản lý hoạt động KHCN của Bộ cũng nhanh chóng được rà soát, cập nhật các quy định mới, từng bước được hoàn thiện theo hướng minh bạch, hiện đại. Bộ Công Thương ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Công Thương. Đồng thời, Bộ đang đẩy nhanh việc triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý hoạt động KH, CN và ĐMST của Bộ để nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện quản lý các hoạt động KH, CN, ĐMST của Bộ; đảm bảo khả năng tham gia và tiếp cận rộng rãi của các bên có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp.
TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Nghiên cứu Cơ khí
Chia sẻ về kết quả nghiên cứu KH&CN nổi bật từ các Viện Nghiên cứu Ngành Công Thương, TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Nghiên cứu Cơ khí cho biết, năm 2024 các Viện đã tích cực tham gia, phối hợp, triển khai các nhiệm vụ chuyên môn cùng Bộ Công Thương. Theo đó, các Viện đã tham gia, góp ý trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình KH&CN; trực tiếp chủ trì hoặc tham gia xây dựng hơn 20 cơ chế, chính sách, quy hoạch, tiêu chuẩn phát triển ngành, lĩnh vực phụ trách. 
Trong công tác nghiên cứu, tiếp thu và làm chủ công nghệ, các Viện đã đầu tư nguồn lực để tiếp cận, giải mã, mua và làm chủ nhiều công nghệ nền. Trong đó, nhiều công trình nghiên cứu đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đạt hiệu quả cao, góp phần tăng tính tự lực tự cường của các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực nền tảng.
Đặc biệt trong giai đoạn 2020-2025, các Viện đã công bố gần 600 bài báo khoa học quốc tế và hàng nghìn bài báo trong nước, sách tham khảo và chuyên khảo. Đồng thời, sản phẩm khoa học của các Viện cũng đạt được hàng trăm giải thưởng về khoa học, công nghệ quốc tế và trong nước.

Tập trung thực hiện 6 giải pháp trọng tâm 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật ngành Công Thương đã đạt được trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thời gian qua. Thứ trưởng nhấn mạnh: "Ngành Công Thương với các đơn vị thực hiện công tác quản lý nhà nước, các Viện, Trường có đóng góp to lớn trong tiến trình phát triển khoa học công nghệ của đất nước. Đây là điều đáng tự hào".
Thứ trưởng cho rằng Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 là yếu tố then chốt và cơ bản nhất để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình. "Nghị quyết 57 mở ra kỷ nguyên mới cho khoa học công nghệ. Nếu trong giai đoạn trước, chúng ta gặp nhiều khó khăn trong phát triển khoa học công nghệ thì thời gian tới, những cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý sẽ được ban hành trên cơ sở Nghị quyết 57 sẽ tháo gỡ những nút thắt này", Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long đưa ra 06 giải pháp trọng tâm trong hoạt động KH, CN, ĐMST và CĐS ngành Công Thương
Triển khai các nhiệm vụ của Ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ, Thứ trưởng đã đưa ra 06 giải pháp trọng tâm trong hoạt động KH, CN, ĐMST và CĐS gồm: 
Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tổ chức bộ máy để tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bộ sẽ rà soát, đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để loại bỏ những rào cản, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn.
Hai là, xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ngành Công Thương. Bộ sẽ thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, các cụm liên kết doanh nghiệp-viện nghiên cứu-trường đại học trong các lĩnh vực trọng điểm. Đặc biệt chú trọng phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi để các ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa và thương mại hóa.
Ba là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ sở đào tạo thuộc Bộ để đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục đào tạo, chú trọng phát triển kỹ năng số và năng lực đổi mới sáng tạo; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế phát triển của thế giới. 
Bốn là, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Công Thương, từ quản lý nhà nước đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ, ứng dụng các nền tảng số để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công nhằm đạt mục tiêu là xây dựng nền công nghiệp số, thương mại số và chính phủ số trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.
Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ sẽ mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, chủ động hội nhập sâu rộng vào mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu. Thông qua hợp tác, chúng ta sẽ tranh thủ các nguồn lực, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến từ nước ngoài để phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mũi nhọn của Việt Nam.
Sáu là, đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng kiến tạo, phục vụ. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Tạo môi trường pháp lý thuận lợi, công khai, minh bạch để thúc đẩy sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực Công Thương.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng kêu gọi: "Tất cả cộng đồng làm khoa học công nghệ Ngành Công Thương cùng phát huy truyền thống để tiếp tục nâng cao hơn nữa, hiệu quả hơn nữa hoạt động KH, CN, ĐMST và CĐS. Đồng thời đóng góp tích cực và thành công trong thực hiện các Nghị quyết, cùng đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Phát biểu tổng kết Hội nghị, bà Bà Nguyễn Thị  Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công bày tỏ: "Cục ĐCK sẽ ghi nhớ 6 chỉ đạo của Thứ trưởng đối với hoạt động KH, CN và ĐMST Ngành Công Thương trong giai đoạn tới, quyết tâm hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 71/NQ-CP đặt ra. Cục ĐCK cam kết đồng hành cùng các đơn vị trong toàn ngành nhằm hoàn thiện thể chế, kiến tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, tăng cường năng lực nghiên cứu - phát triển, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.”
Một số hình ảnh Hội nghị:
Các đại biểu tặng hoa hoa và chụp ảnh lưu niệm
Đồng chí Cao Quốc Hưng - Nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị
Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công
Ngày KHCN
Trên 1 - Thông tin hoạt động Cục