Thứ bảy, 19/07/2025 | 15:51 GMT+7
Theo khảo sát từ Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh, có tới 85% doanh nghiệp SME chưa từng thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó hơn 70% chưa tiếp cận công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc thân thiện với môi trường. Những con số này phản ánh phần nào những thách thức lớn mà các doanh nghiệp nhỏ đang đối mặt trong hành trình “xanh hóa” sản xuất.
Tăng áp lực từ chuỗi cung ứng và chính sách
Tại buổi giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 16/7, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho biết, EVN vẫn chưa thực hiện kiểm kê đầy đủ và tổng thể lượng khí nhà kính phát thải hàng năm. Điều này khiến EVN chưa thể đánh giá chính xác hiệu quả của các giải pháp giảm phát thải đã triển khai.
Đoàn giám sát cũng bày tỏ lo ngại trước áp lực mà EVN sẽ phải đối mặt khi Quy chuẩn khí thải công nghiệp nhiệt điện QCVN 19:2024/BTNMT chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, với các tiêu chí khắt khe hơn nhiều so với quy chuẩn hiện hành. Ngoài ra, vấn đề xử lý tro xỉ, bụi than tại các nhà máy, đặc biệt là Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, vẫn là bài toán môi trường chưa có lời giải dứt điểm.
Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn khẳng định cam kết bảo vệ môi trường, cho biết tập đoàn đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động, xử lý khí thải; đồng thời triển khai dự án kho than kín tại Vĩnh Tân, dự kiến khởi công cuối năm 2025.
Dù vậy, EVN cũng thừa nhận còn hai nhà máy (Nhiệt điện Phả Lại 1 và Ninh Bình) chưa đạt chuẩn xử lý khí thải và đang có kế hoạch thay đổi công nghệ để đáp ứng yêu cầu mới. Về tình trạng phát sinh tro, bụi tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, gây ảnh hưởng đến môi trường và đời sống người dân, Tổng Giám đốc EVN cho biết, EVN đã giao nhà máy xây dựng đề án kho than kín. Công trình dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2025 và hoàn thành trong vòng 6 tháng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ tháng 1/2023, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực thử nghiệm, đặt ra yêu cầu về báo cáo phát thải với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường này. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là SME trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, dệt may, in ấn… lập tức cảm nhận được sức ép.
Phần lớn SME không đủ tiềm lực tài chính để đầu tư một lần vào công nghệ mới; trong khi các chương trình vay vốn ưu đãi hoặc quỹ tín dụng xanh còn thiếu tính linh hoạt, thủ tục rườm rà.
Ông Trần Hữu Dũng, Giám đốc một doanh nghiệp in bao bì tại TP. Hồ Chí Minh cho hay: Từ giữa năm ngoái, nhiều khách hàng EU yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dữ liệu kiểm kê khí nhà kính cho từng đơn hàng. Nếu không minh bạch, không được ký tiếp hợp đồng.
"Chúng tôi gần như không biết bắt đầu từ đâu, vì doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi không có bộ phận môi trường riêng”, ông Dũng nói và chia sẻ thêm: "Chúng tôi đang sử dụng máy in lụa đời cũ, tiêu thụ nhiều điện và phát sinh lượng mực thải lớn. Việc thay đổi sang máy in UV công nghệ cao có thể giúp giảm phát thải và chi phí dài hạn, nhưng giá máy quá cao, lên đến hàng trăm triệu đồng”.
Không chỉ EU, các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang đẩy mạnh yêu cầu về minh bạch phát thải trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này khiến nhiều SME Việt Nam – vốn thiếu vốn, thiếu công nghệ và thiếu nhân lực chất lượng cao – lâm vào thế khó.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh, việc “xanh hóa” sản xuất không đơn giản chỉ là thay đổi vài khâu trong quy trình sản xuất, mà là cả quá trình tái cấu trúc. Từ lựa chọn nguyên liệu đầu vào, chuyển đổi máy móc thiết bị, đến đào tạo nhân sự và chuẩn hóa quy trình báo cáo.
“Nhiều doanh nghiệp SME muốn áp dụng công nghệ xử lý nước thải, hệ thống năng lượng mặt trời hay cải tiến dây chuyền tiết kiệm điện… nhưng chi phí đầu tư ban đầu rất cao, trong khi họ khó tiếp cận vốn ưu đãi,” ông Chính cho biết.
“Thiếu người hiểu, khó thực hiện”
Ông Đinh Quang Thành, chuyên gia đào tạo ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị doanh nghiệp) cho biết, khoảng cách lớn nhất của SME hiện nay là năng lực nội tại, đặc biệt là hiểu biết về kiểm kê khí nhà kính.
“Rất nhiều doanh nghiệp lẫn cán bộ quản lý còn nhầm lẫn giữa việc làm báo cáo môi trường định kỳ với kiểm kê phát thải khí nhà kính. Hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Chưa kể, quy trình kiểm kê đòi hỏi hiểu biết về công cụ đo đạc, chuẩn ISO hoặc IPCC – điều không phổ biến ở SME,” ông Thành chia sẻ.
Ông Thành cũng nhấn mạnh: “Nếu không được hỗ trợ đào tạo bài bản, không xây dựng đội ngũ nhân lực ESG tại chỗ, thì doanh nghiệp khó lòng đáp ứng các yêu cầu từ thị trường quốc tế.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, hiện nay các quy định pháp luật Việt Nam về kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính đã có khung cơ bản, như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP, và gần đây là Thông tư 01/2022/TT-BTNMT về hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên, SME vẫn gặp khó vì quy định còn mang tính “hướng dẫn chung”, chưa cụ thể cho từng nhóm ngành hoặc quy mô doanh nghiệp.
“Cần có những chính sách riêng hỗ trợ SME, ví dụ: bộ tiêu chí kiểm kê đơn giản, công cụ tự động hóa đo đạc phù hợp, hoặc gói tư vấn miễn phí cho nhóm doanh nghiệp dưới 100 lao động,” ông Hậu kiến nghị.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân cũng đã có chủ trương về “Đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân” bằng việc đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh; Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG). Và được kỳ vọng sẽ là bàn đạp thúc đẩy “xanh hóa” khu vực tư nhân, trong đó có SME.
Nghị quyết khuyến khích phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số và thực hành phát triển bền vững. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để nghị quyết đi vào thực tế, cần có gói tín dụng xanh riêng biệt cho SME, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn và các chương trình hỗ trợ công nghệ.
Sau đó, tháng 6/2025 Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn quy định lộ trình phân bổ chỉ tiêu phát thải đến từng doanh nghiệp lớn trong ba giai đoạn 2025-2026, 2027-2028 và 2029-2030, với lộ trình khắt khe và minh bạch nhằm đảm bảo cam kết quốc tế và kiểm soát nghiêm ngặt lượng phát thải quốc gia. Đây là động thái quan trọng nhằm hiện thực hóa các cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050.
Thực tế cho thấy, không thể yêu cầu SME phải một mình lo liệu toàn bộ quá trình “xanh hóa”. Theo các chuyên gia, Chính phủ cần: Phát triển mạng lưới tư vấn ESG cấp địa phương, có thể là hợp tác giữa cơ quan quản lý, trường đại học và hiệp hội doanh nghiệp; Xây dựng nền tảng kiểm kê phát thải dùng chung cho SME, với giao diện đơn giản, dễ sử dụng; Thiết lập quỹ hỗ trợ công nghệ xanh, ưu tiên SME trong ngành thâm dụng năng lượng.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hồ Chí Minh, nếu có một ‘gói hỗ trợ xanh’ thiết thực và linh hoạt như trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, các doanh nghiệp nhỏ mới dám mạnh dạn chuyển đổi.
Kiểm kê khí nhà kính và áp dụng công nghệ xanh không còn là sự lựa chọn. Đó là điều kiện bắt buộc để các doanh nghiệp SME tồn tại và phát triển bền vững trong tương lai gần. Nhưng để làm được điều đó, cần một chiến lược hỗ trợ toàn diện, đi cùng cam kết mạnh mẽ từ các bên: Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức trung gian.
“Minh bạch phát thải không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là cơ hội để SME Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu,” ông Đinh Quang Thành - chuyên gia ESG khẳng định.
(Còn nữa)...
Theo Tạp chí doanh nghiệp và kinh tế xanh
Việc tuân thủ các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính đang dần trở thành “luật chơi mới” trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) - vốn chiếm hơn 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam - đây đang trở thành bài toán khó giải, nhất là về chi phí, công nghệ và năng lực quản trị.
18/07/2025