Bộ Công Thương, cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công
IGIP IGIP

Thứ năm, 24/07/2025 | 03:11 GMT+7

Biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

Không bỏ lỡ cơ hội vàng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

23/07/2025
Việt Nam có tiềm năng để phát triển kinh tế tuần hoàn. Đây là xu hướng tất yếu nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Hiệu quả cho doanh nghiệp và môi trường

Việt Nam có tiềm năng kinh tế tuần hoàn rất lớn trong lĩnh vực như nông nghiệp (tái sử dụng phụ phẩm), công nghiệp (thu hồi nhiệt, sử dụng vật liệu tái chế), xây dựng (vật liệu xanh), năng lượng (năng lượng tái tạo), giao thông (điện khí hóa phương tiện), đặc biệt là trong lĩnh vực rác thải và năng lượng tái tạo.

Là doanh nghiệp chuyên xử lý chất thải và chuyển giao công nghệ, đã triển khai khoảng 200 dự án lò đốt rác tại 34 địa phương, TS. Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam cho hay, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong các nhà máy xử lý rác là "đầu cuối của chu trình tái chế và tái sử dụng chất thải". T-TECH tập trung vào giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng, tối đa hóa việc phân loại rác thải có giá trị để tái chế thay vì đốt bỏ hoàn toàn. Đặc biệt, với lượng rác trên 200 tấn, T-TECH đã biến phần rác đốt thành nhiên liệu phát điện, hướng tới mô hình tuần hoàn gần như không còn chôn lấp.

Theo bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cần có sự đồng bộ hóa dữ liệu từ các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân, xây dựng nền tảng quốc gia để xác thực nguồn gốc sản phẩm, áp dụng công nghệ như blockchain để đảm bảo minh bạch và chống gian lận hiệu quả hơn, nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Chia sẻ về mô hình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn từ thực tế của công ty, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Giám đốc Công ty TNHH Dâu tơ tằm Mỹ Đức cho biết, bằng việc tận dụng phế phẩm như lá dâu, công ty không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mới, mà còn góp phần giảm thiểu tác động môi trường, hỗ trợ nông dân tăng thu nhập.

“Năm 2015, công ty tiên phong áp dụng công nghệ “con tằm tự dệt” vào sản xuất đại trà, một bước đột phá giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và chất lượng, đồng thời tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm” - bà Thuận nói.

Thực tế cho thấy, vai trò không thể thiếu của doanh nghiệp trong quá trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp phải là chủ thể tiên phong từ khâu thiết kế sản phẩm, lựa chọn nguyên vật liệu, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cho đến tái chế và xử lý chất thải sau tiêu dùng.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường cũng nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu để ứng phó khủng hoảng tài nguyên, biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Kinh tế tuần hoàn tổ chức lại sản xuất, tiêu dùng theo hướng giảm khai thác tài nguyên, kéo dài vòng đời sản phẩm và tái tạo giá trị từ chất thải. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí mà còn tạo động lực đổi mới và nâng cao khả năng thích ứng.

Cần một chiến lược rõ ràng hơn

Mặc dù Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ nhanh chóng, điển hình là các chính sách đi vào cuộc sống còn thiếu linh hoạt. Việc ban hành các tiêu chí xanh cho sản xuất, doanh nghiệp hay tiếp cận vốn tín dụng xanh vẫn còn vướng mắc, làm cản trở dòng chảy vốn hỗ trợ các dự án bền vững...

Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn đang đặt ra hiện nay là bài toán rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mỗi ngày, cả nước phát sinh khoảng 67.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, phần lớn đang được xử lý theo phương pháp chôn lấp, vừa tốn diện tích, vừa gây ô nhiễm môi trường và hoàn toàn ngược lại với nguyên lý của mô hình kinh tế tuần hoàn.

Để tháo gỡ những “nút thắt” này và hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả, TS. Nguyễn Đình Trọng khẳng định, cần có những thay đổi đột phá trong tư duy và chính sách, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý chất thải. Ông Nguyễn Đình Trọng kiến nghị, cần sớm áp dụng cơ chế giao nhiệm vụ - đặt hàng doanh nghiệp nội theo đúng tinh thần các nghị quyết của Chính phủ; miễn tiền sử dụng đất, ưu đãi đầu tư theo luật hiện hành để thu hút nguồn lực vào lĩnh vực then chốt nhưng còn nhiều khó khăn. Đồng thời, hình thành cơ chế thử nghiệm chính sách trong xử lý chất thải, cho phép mô hình tiên phong được triển khai thực tế, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.

Bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng cho rằng, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cần có một chiến lược rõ ràng, cùng với các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng xanh hiệu quả, tạo điều kiện đầu tư hạ tầng để xử lý chất thải và chuyển giao công nghệ tuần hoàn.

Tạo hành lang pháp lý cho mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, sau đó là Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP là các văn bản đầu tiên quy định về kinh tế tuần hoàn. Các văn bản này được xem như một định hướng chiến lược, lồng ghép nguyên tắc tuần hoàn vào trong thiết kế chiến lược, quy hoạch và dự án phát triển.

Luật đã đặt ra trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành và địa phương trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn và giám sát triển khai, từ đó tạo điều kiện để khu công nghiệp sinh thái được quy hoạch, thiết kế và vận hành theo tư duy khép kín, tiết kiệm tài nguyên, tái sử dụng chất thải; yêu cầu lồng ghép tuần hoàn vào các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung.

Các chính sách quản lý chất thải, đặc biệt là Nghị định số 38/2015/NĐ-CP tạo khung kỹ thuật cho việc kiểm soát, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải, yếu tố trung tâm của hoạt động cộng sinh trong khu công nghiệp sinh thái. Các quy định về xử lý chất thải rắn công nghiệp, phế liệu nhập khẩu, chất thải nguy hại..., cho phép phân dòng và tái cấu trúc chu trình vật liệu giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Quyết định số 687/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nhấn mạnh vai trò của kinh tế tuần hoàn trong cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Đề án khuyến khích thiết kế chuỗi cung ứng theo mô hình tuần hoàn, ứng dụng công nghệ tái sử dụng và tối ưu dòng vật liệu, đây là nền tảng để các khu công nghiệp sinh thái định hình lại cấu trúc sản xuất theo hướng giảm thiểu tài nguyên đầu vào và tối ưu phụ phẩm đầu ra.

Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội đã ban hành nhiều cơ chế đặc biệt để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào đổi mới công nghệ, cộng sinh công nghiệp và sản xuất tuần hoàn. Cụ thể, chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi tín dụng xanh, hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao là những đòn bẩy then chốt để các doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái đủ năng lực tham gia vào mạng lưới cộng sinh và đầu tư vào mô hình tái chế, tái sử dụng...

Theo Thời báo Tài chính

Đại hội đảng bộ Bộ Công Thương