Bộ Công Thương, cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công
IGIP IGIP

Thứ bảy, 26/04/2025 | 05:52 GMT+7

Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Chìa khóa thành công

06/02/2020
Câu hỏi Việt Nam sẽ phát triển như thế nào sau 10 năm, 20 năm nữa không còn chỉ dành riêng cho những nhà hoạch định chính sách. Chưa bao giờ khát vọng thịnh vượng trong từng người dân Việt Nam lại rõ nét đến vậy.
Trung tâm điều hành Đô thị thông minh của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Ảnh: Nguyễn Anh
Câu hỏi Việt Nam sẽ phát triển như thế nào sau 10 năm, 20 năm nữa không còn chỉ dành riêng cho những nhà hoạch định chính sách. Chưa bao giờ khát vọng thịnh vượng trong từng người dân Việt Nam lại rõ nét đến vậy.
Quyết tâm cải cách mạnh mẽ
Ngay sau khi nhận được kết quả thứ hạng của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hồi cuối tháng 10-2019, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan phân tích, đánh giá kỹ thực trạng, nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất ngay các giải pháp tạo đột phá trong nâng hạng môi trường kinh doanh, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, điểm chốt được nhắc đến không chỉ là chỉ số Môi trường kinh doanh của Việt Nam mà còn là các chỉ số thành phần khác.
Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh của WB cho thấy, điểm số chung cũng như 5/10 chỉ số thành phần có sự cải thiện đáng kể. Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), có hai trong số đó được ghi nhận cải cách, đó là tiếp cận tín dụng và nộp thuế, bảo hiểm xã hội. Mặc dù vậy, chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ thể hiện quyết tâm cải cách mạnh mẽ.
Trên thực tế, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi nếu so với nhiều nền kinh tế trong khu vực về thu hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Trong công bố mới đây của tạp chí Mỹ có tên U.S News & World Report, Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm ngoái lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Khảo sát thường niên do Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có khoảng 70% số công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có định hướng mở rộng kinh doanh tại châu Á và ASEAN, đặc biệt là Việt Nam.
Phân tích xu hướng này, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, giới đầu tư, doanh nghiệp (DN) đang nắm bắt được xu thế chuyển mình của thế giới cũng như của Việt Nam, nên cơ hội trong 10 năm tới là lạc quan.
Riêng với Việt Nam, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định liên tục trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 dự kiến đạt khá cao: trung bình hơn 6,5%, đưa Việt Nam nằm trong tốp các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, đã thuyết phục được các dòng tiền đổ về.
Tuy nhiên, xu hướng này đang trở nên khó khăn hơn trong năm tới, khi tốc độ tăng trưởng GDP được CIEM dự báo chỉ khoảng 6,72%. “Cả Nhà nước và cộng đồng DN cùng phải hành động, chuyển động để tận dụng lợi thế”, ông Võ Trí Thành khuyến nghị.
Tư duy mới trong xây dựng cơ chế, chính sách
Trong lịch trình, Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động” bắt đầu vào lúc 8 giờ 30 phút, nhưng Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đến trước cả tiếng đồng hồ. Các cuộc trao đổi về sự thịnh vượng của Việt Nam, về cơ hội và thách thức của Việt Nam đã nóng lên, không đợi giờ khai mạc.
Thông lệ, VRDF được tổ chức vào cuối năm. Nhưng năm 2020 sẽ là một năm đặc biệt. Đây là thời điểm phải xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Đặc biệt, đây cũng là thời điểm các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII phải hoàn thành.
Không chỉ như vậy, một thế giới đang thay đổi mau lẹ, diễn biến phức tạp và cả sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh mẽ cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp khiến những thành công truyền thống không đủ để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của Việt Nam.
“Bối cảnh này mang lại cả cơ hội và thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ với các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài, khi lý giải vì sao VRDF 2019 được tổ chức sớm hơn thường kỳ. Điều ban tổ chức hướng đến, chính là tạo nên diễn đàn hội tụ các đề xuất, khuyến nghị cho cả giai đoạn phát triển tới của Việt Nam.
Cũng phải nói rằng, từ rất sớm, giới chuyên gia đã nhiều lần nói về những thách thức mang hơi hướng thời đại này. Theo cấu trúc phát triển truyền thống, đất đai, vốn liếng, tài nguyên và sức lao động là nguồn lực quan trọng nhất. Đây là lý do mà các nền kinh tế có nhiều lợi thế về các nguồn lực này thường có ưu thế trong thu hút đầu tư. Trong trường hợp của Việt Nam, đó là lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên... Nhưng với các mô hình kinh doanh mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ý tưởng, trí tuệ, kết nối mạng là nguồn lực chính.
Sự thịnh vượng của nền kinh tế tới đây sẽ cần tư duy mới trong xây dựng cơ chế, chính sách”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên khuyến nghị.
Rõ ràng nguồn lực, động lực và cả cấu trúc phát triển của thời cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi những thay đổi căn bản trong tư duy xây dựng chính sách, cải cách thể chế, để xác định đúng động lực, từ đó thúc đẩy sự phát triển. Hơn thế, ông Thiên cũng nhắc lại: “Cho dù 4.0 là cuộc cách mạng của công nghệ, nhưng phải đi kèm đổi mới thể chế, như thế mới thúc đẩy được sự phát triển mới. Đây cũng là lý do mà cải cách thể chế vẫn đang là điều được giới chuyên gia kinh tế nhắc tới như chìa khóa của cánh cửa thịnh vượng”.
Ông Ô-xmen Đai-ân, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam:
Mô hình kinh tế của Việt Nam đang đối mặt với một số thách thức trong nước, do đó cần có những cải cách táo bạo để đất nước có thể nắm bắt các cơ hội trong tương lai và quản lý các rủi ro.
Ông Bùi Tất Thắng, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Chiến lược phát triển:
Sau nhiều cải cách về thể chế, đến nay những yếu tố và các quan hệ thị trường đã phủ khắp mọi hoạt động của nền kinh tế. Tuy nhiên, chất lượng của thể chế kinh tế thị trường vẫn còn chưa đồng đều và chưa đồng bộ ở các ngành nghề, lĩnh vực, do đó thị trường vận hành chưa được thông suốt theo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, nhiệm vụ trước mắt là phải nhanh chóng hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế.
Ông Giên Ri-len-đơ, Đặc phái viên của Giám đốc Trung tâm Phát triển, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD):
Nhiều nước vướng bẫy thu nhập trung bình khi chỉ tập trung vào khu vực công và tư. Muốn thoát bẫy và vượt lên, cần tạo sự liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực trong nước, làm sao để cùng tham gia mạnh mẽ hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.
KHÁNH ANH
Bài đăng trên Báo Nhân dân Xuân Canh Tý 2020
Trên 3 - Ngày đổi mới sáng tạo
Trên 1 - Thông tin hoạt động Cục