Cùng dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thịnh; đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; một số sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố có liên quan và đại diện chủ đầu tư các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự buổi làm việc.
Báo cáo tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bắc Giang được quy hoạch 29 KCN, với tổng diện tích khoảng 7 nghìn ha. Tính đến hết tháng 02/2025, có 16 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, với tổng diện tích quy hoạch 3,6 nghìn ha. Đã có 8 KCN đã đi vào hoạt động, 8 KCN đang triển khai các thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng (GPMB).
Trong các KCN có 513 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 392 dự án FDI và 121 dự án DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 11,2 tỷ USD và 41 nghìn tỷ đồng. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt khoảng 8,3 tỷ USD và khoảng 13 nghìn tỷ đồng. Tổng số lao động đang làm việc khoảng 216 nghìn lao động; trong đó lao động là người nước ngoài khoảng 8,3 nghìn người, lao động trong nước là 207,7 nghìn người. Thu nhập bình quân của người lao động khoảng đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng, được tham gia đầy đủ chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
Về tình hình thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương cho biết theo Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bắc Giang có 63 CCN với tổng diện tích 3 nghìn ha; trong đó có 36 CCN giữ nguyên diện tích, 3 CCN mở rộng, quy hoạch mới 24 CCN. Đến nay, tỉnh đã thành lập được 55 CCN với tổng diện tích 2,3 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp theo quy hoạch chi tiết là 1,4 nghìn ha. Tốc độ phát triển CCN giai đoạn 2020-2025 tăng nhanh. Đã có 38/55 CCN được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với diện tích 1,3 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê là 612 ha.
Việc thành lập các CCN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, giải quyết việc làm tại chỗ; khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát về môi trường, phòng chống cháy, nổ. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 297 dự án, với tổng vốn đăng ký 35,5 nghìn tỷ đồng; vốn thực hiện đạt khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng, bằng 29,2% vốn đăng ký. Đã có 240 dự án đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 45 nghìn lao động tại địa phương và các vùng lân cận, chiếm 13,39% tổng số lao động trên địa bàn tỉnh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về tiến độ thực hiện chi tiết của các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc, đề xuất nhiều giải pháp triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN liên quan đến công tác quy hoạch; cơ chế, chính sách phát triển CCN; TTHC; công tác phối hợp; công tác bồi thường, GPMB;…
Chủ đầu tư KCN Yên Lư kiến nghị về công tác GPMB tại hội nghị.
Chủ đầu tư KCN Yên Lư cho biết trong khu vực dự án có nhiều thửa đất có nguồn gốc không rõ ràng, không có bờ thửa, ranh giới nên mất nhiều thời gian họp bàn thống nhất về nguồn gốc, xác định vị trí thửa đất tại thực địa. Còn một số bộ phận người dân chưa đồng thuận về phương án bồi thường khi nhà nước thu hồi đất hỗ trợ phải tiến hành đi vận động nhận tiền mất nhiều thời gian. Chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Bắc Giang tích cực đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB phần 18 ha còn lại để tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư.
Chủ đầu tư CCN Hương Sơn cho biết đến thời điểm này, chủ đầu tư đã thực hiện xong các thủ tục pháp lý (quy hoạch chi tiết, báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công, đánh giá tác động môi trường, cấp phép xây dựng theo từng giai đoạn...). Về công tác bồi thường GPMB, chủ đầu tư được giao đất 3 đợt với tổng diện tích gần 58,2 ha/65,3 ha. Còn 7,23 ha chưa được giao đất; trong đó còn lại 2,43 ha chưa bồi thường do còn 07 hộ dân chưa đồng thuận, đang chờ thủ tục cưỡng chế; 3,2 ha chồng lấn với đường gom cao tốc BOT Hà Nội - Lạng Sơn. Chủ đầu tư đề nghị UBND huyện Lạng Giang tập trung cao cho công tác GPMB, giải quyết dứt điểm, tái định cư cho các hộ dân còn lại và diện tích trồng lấn đường gom cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và CCN Hương Sơn để hoàn thiện lập hồ sơ thuê đất, giao đất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thịnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thịnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, GPMB.
Chủ đầu tư các KCN, CCN phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương lập kế hoạch triển khai dự án; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phản ánh các khó khăn, vướng mắc đến trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Chuẩn bị tốt các nguồn lực để triển khai dự án theo đúng kế hoạch, lộ trình. Phối hợp hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp thực hiện các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy,… để sớm đưa các dự án đi vào hoạt động, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Việt Oanh phát biểu kết luận hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Việt Oanh đánh giá cao tình hình phát triển công nghiệp của tỉnh trong những năm gần đây, với sự đóng góp không nhỏ của các chủ đầu tư KCN, CCN, công tác triển khai tích cực của các sở, ngành, địa phương.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phối hợp giữa chủ đầu tư, các sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý các KCN tỉnh làm việc trực tiếp với các địa phương, chủ đầu tư xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hóa nhiệm vụ của từng đơn vị để làm cơ sở kiểm điểm tiến độ triển khai từng dự án.
Liên quan đến kiến nghị của một số chủ đầu tư KCN đến hạ tầng KCN, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát hệ thống thoát nước trong KCN, trước mắt tập trung cải tạo, nâng cấp các hệ thống hiện hữu. Trong thời gian tới, tập trung nghiên cứu xây dựng Đề án, phương án các kênh thoát nước, đặc biệt là các trạm bơm trong các KCN trọng điểm của tỉnh.
Trên tinh thần tập trung cao cho công tác triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, CCN từ nay đến 01/07/2025 với lộ trình cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư các KCN, CCN triển khai theo đúng cam kết. Đối với các CCN có tiến độ triển khai chậm, đồng chí đề nghị Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ đầu tư trong triển khai dự án; sẵn sàng thu hồi các dự án, chuyển Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh triển khai; không giao thêm dự án CCN mới trong trường hợp các địa phương phối hợp không hiệu quả. Thu hồi đất, không tiếp tục triển khai dự án đối với các chủ đầu tư liên tục đề nghị gia hạn tiến độ đầu tư. Các địa phương rà soát lại các khó khăn, vướng mắc; đảm bảo chính xác trong hồ sơ, thủ tục triển khai dự án.
Theo: Báo Bắc Giang