Thứ bảy, 26/07/2025 | 08:25 GMT+7
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh khốc liệt, việc duy trì và phát triển các làng nghề này đặt ra nhiều thách thức. Tuy nhiên, nhờ có nguồn vốn khuyến công đã và đang trở thành “đòn bẩy”, tiếp thêm sức sống giúp ngành thủ công mỹ nghệ Ninh Bình vươn mình mạnh mẽ.
Ninh Bình hiện có hàng trăm làng nghề, với gần 60 làng nghề được công nhận cấp tỉnh, trong đó có 13 làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm của những làng nghề này không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống mà còn mang lại giá trị kinh tế đáng kể, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động nông thôn. Điển hình như làng nghề chế tác đá mỹ nghệ, thêu ren, chế biến cói, gốm sành sứ đã tạo dựng được thương hiệu và uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, thế nhưng, để những giá trị này được phát huy tối đa, cần có sự đầu tư và hỗ trợ đúng mức. Trong đó, nguồn vốn khuyến công đóng vai trò quan trọng.
Quyết định số 759/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Chương trình khuyến công giai đoạn 2021-2025 đã thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, định hướng các hoạt động khuyến công tập trung vào những ngành CN-TTCN thế mạnh, trong đó có thủ công mỹ nghệ.
Nguồn vốn khuyến công được ví như “vốn mồi”, kích thích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Điều này đặc biệt đúng với ngành thủ công mỹ nghệ, nơi sự sáng tạo và kỹ thuật là yếu tố then chốt.
Nhắc tới Ninh Bình không thể không kể tới làng nghề gốm Bồ Bát, làng gốm Bồ Bát nổi danh từ cách đây hàng nghìn năm, với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo. Sau hơn 1.000 năm tưởng chừng quên lãng, gốm Bồ Bát đã hồi sinh. Người có công đưa gốm Bồ Bát trở lại và phát triển như hiện nay là anh Phạm Văn Vang, người con của dòng họ Phạm (dòng họ tương truyền đã di cư tới làng Bát Tràng lập nghiệp). Sau nhiều năm miệt mài tìm tòi, học lại nghề cũ của ông cha ở Bát Tràng, anh Vang là người đầu tiên mở xưởng gốm mang thương hiệu Bồ Bát tại quê hương với mong muốn khôi phục lại nghề gốm tưởng chừng đã mai một. Từ nguồn kinh khí khuyến công, UBND tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ anh Phạm Văn Vang thành lập Công ty TNHH Bảo tồn và Phát triển Gốm Bồ Bát, tạo quỹ đất, hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà xưởng. Sản phẩm của Công ty đã được chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp và nông thôn tiêu biểu” cấp tỉnh và cấp quốc gia. Anh Phạm Văn Vang cũng vinh dự được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Nhờ đó, nghề gốm, sản phẩm gốm nơi đây ngày càng phát triển, được nhiều người biết đến.
Ngành thủ công mỹ nghệ Ninh Bình đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển bền vững, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt văn hóa. Với sự đồng hành của nguồn vốn khuyến công, các làng nghề có thêm động lực để đổi mới, sáng tạo, tạo ra những sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương nhưng vẫn đáp ứng được thị hiếu của thị trường hiện đại.
Với những bước đi vững chắc và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nguồn vốn khuyến công, ngành thủ công mỹ nghệ Ninh Bình hứa hẹn sẽ tiếp tục vươn mình mạnh mẽ hơn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Theo Công Nghiệp dùng
Ninh Bình, vùng đất Cố đô ngàn năm văn hiến, không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, mà còn là cái nôi của nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo từ những sản phẩm tinh xảo làm từ đá, cói, thêu ren cho đến gốm sứ.
24/07/2025