Bộ Công Thương, cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công
IGIP IGIP

Thứ sáu, 25/07/2025 | 22:25 GMT+7

Tiểu thủ công nghiệp

Gia Lai: Khơi dậy tiềm năng từ những sản phẩm công nghiệp nông thôn bản địa

24/07/2025
Trong nỗ lực phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, tỉnh Gia Lai ( trước khi chưa sáp nhập với tỉnh Bình Định) đã tổ chức hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu định kỳ 2 năm/lần. Giai đoạn 2021–2025 ghi nhận những kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và các cơ sở sản xuất.

74 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 10 sản phẩm vươn tầm quốc gia

Theo báo cáo từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn này, tỉnh đã tổ chức hai lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh (năm 2022 và 2024), hai lần tham gia bình chọn cấp khu vực, và ba lần tham gia bình chọn cấp quốc gia.

Cụ thể, năm 2022 có 31 sản phẩm đạt danh hiệu CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 07 sản phẩm cấp khu vực; năm 2024 có 35 sản phẩm cấp tỉnh, 06 sản phẩm cấp khu vực. Ngoài ra, có 05 sản phẩm đạt cấp quốc gia vào năm 2021 và 03 sản phẩm đạt danh hiệu này vào năm 2023. Năm 2025, tỉnh đang gửi hồ sơ cho 06 sản phẩm dự thi cấp quốc gia.

Bộ 3 sản phẩm cà phê LAGOME được chứng nhận Bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023

Là đơn vị vinh dự có bộ 3 sản phẩm cà phê LAGOME, đây là 1 trong 3 sản phẩm của tỉnh Gia Lai được công nhận, cấp giấy chứng nhận Bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023. Ông Phạm Thành Trung – Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại và Dịch vụ Vĩnh Bình Tây Nguyên, phường An Phú, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Việc sản phẩm được tôn vinh không chỉ là niềm tự hào, mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường. Qua chương trình bình chọn, chúng tôi càng nhận thức rõ hơn vai trò của chất lượng, đổi mới mẫu mã và xây dựng thương hiệu”.

Hoạt động bình chọn không đơn thuần là cuộc thi, mà còn là kênh thúc đẩy phát triển sản phẩm đặc trưng của từng địa phương. Các sản phẩm đạt danh hiệu CNNT tiêu biểu đều được đánh giá toàn diện qua các tiêu chí: doanh thu, khả năng đáp ứng thị trường, chỉ tiêu kỹ thuật – xã hội, yếu tố văn hóa – thẩm mỹ.

Ban giám khảo thực hiện đánh giá theo thang điểm 100, với ngưỡng 70 điểm để công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn CNNT tiêu biểu. Điều này đảm bảo tính khách quan, minh bạch và phản ánh đúng năng lực thực tế của từng cơ sở.

Sản phẩm stick cốt gừng mật ong AGILA của Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai được đề cử bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2024
Ông Võ Thành Tuân - Giám đốc Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (xã Chư Pưh), đơn vị được vinh danh trong đợt bình chọn năm 2024 – cho biết: “Chúng tôi được hỗ trợ từ khâu hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa quy trình sản xuất đến kết nối thị trường sau khi đạt giải. Đây là động lực rất lớn để các cơ sở nhỏ vươn lên chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh”.

Hướng đi tương lai: Nâng chất từ gốc

Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai, công tác bình chọn đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong khối cơ sở sản xuất: “Thông qua hoạt động này, nhiều cơ sở đã chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và ứng dụng công nghệ mới. Đó là những bước đi cần thiết để công nghiệp nông thôn phát triển theo hướng bền vững, thích ứng với thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt”.

Cũng theo bà Thu, dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn một số địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức. Việc tuyên truyền còn hạn chế, số lượng cơ sở tham gia chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, sản phẩm nhiều nơi còn mang tính thủ công, quy mô nhỏ, khó đáp ứng các yêu cầu về đa dạng mẫu mã và tiêu chuẩn thị trường.

Bà Nguyễn Thị Bích Thu - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai (đứng giữa) giới thiệu các sản phẩm CNNT tỉnh Gia Lai với khách tham quan tại Hội chợ

Trước những tồn tại đó, tỉnh Gia Lai xác định một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành và cơ sở sản xuất về ý nghĩa của hoạt động bình chọn; Phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến công với các địa phương để hướng dẫn cơ sở lập hồ sơ, hỗ trợ nâng cấp sản phẩm; Tập trung đầu tư chiều sâu cho các sản phẩm tiềm năng: cải tiến công nghệ, nâng cấp mẫu mã, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại bài bản.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm công nghiệp nông thôn, từ đó góp phần phát triển kinh tế địa phương gắn với bảo tồn bản sắc vùng miền”, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.

Từ chương trình bình chọn, những sản phẩm vốn gắn liền với đời sống nông thôn nay đã bước ra khỏi phạm vi làng xã, vươn đến thị trường khu vực, quốc gia và quốc tế. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt của công nghiệp nông thôn nếu có sự định hướng đúng và đồng hành thiết thực từ các cấp ngành.

Theo Tạp chí Công Thương

Đại hội đảng bộ Bộ Công Thương

Tin cùng chuyên mục

Gia Lai: Khơi dậy tiềm năng từ những sản phẩm công nghiệp nông thôn bản địa

Trong nỗ lực phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng bền vững, tỉnh Gia Lai ( trước khi chưa sáp nhập với tỉnh Bình Định) đã tổ chức hoạt động bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu định kỳ 2 năm/lần. Giai đoạn 2021–2025 ghi nhận những kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và các cơ sở sản xuất.

24/07/2025