Thứ bảy, 26/04/2025 | 08:59 GMT+7
Theo số liệu của Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam (Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2009), hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 64.000 tấn amiăng chủ yếu dùng trong ngành sản xuất tấm lợp với sản lượng gần 100 triệu m2/năm, điều này chứng tỏ thị trường tấm lợp amiăng ximăng (AC) ở Việt Nam là rất lớn. Với ưu thế giá rẻ, công nghệ sản xuất tương đối đơn giản và đầu tư không lớn, tấm lợp AC là vật liệu hàng đầu trong chương trình xoá nhà ở tạm tranh, tre, nứa, lá ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1980.
Sản phẩm tấm lợp không amiăng sản xuất tại Cty CP. Tân Thuận Cường – Hải Dương xuất khẩu đi Hàn Quốc
Tuy nhiên, do có quan ngại về ảnh hưởng xấu của amiăng tới sức khoẻ của con người, từ năm 2001 – 2004, chính phủ Việt Nam đã có các quyết định 115/2001/QĐ-TTg và 133/2004/QĐ-TTg điều chỉnh việc sử dụng amiăng trong ngành sản xuất tấm lợp. Tuy các quyết định này mới chỉ hạn chế sử dụng amiăng và khuyến khích tìm vật liệu, công nghệ thay thế amiăng trong sản xuất tấm lợp nhưng nó đã thúc đẩy việc nghiên cứu công nghệ sản xuất tấm lợp không sử dụng amiăng tại Việt Nam từ năm 2001. Năm 2003, Viện Công nghệ - Bộ Công Thương đã tiến hành đề tài KHCN cấp Nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng công suất 0,5 triệu m2/năm” mã số KC.06.15 (giai đoạn 2001 - 2005) và đã có thành công bước đầu trong việc sản xuất thử nghiệm tấm lợp PVA – ximăng không sử dụng amiăng ở Việt Nam. Đề tài đã được nghiệm thu cấp Nhà nước tháng 12-2005.
Điểm qua trên thế giới, chúng ta thấy rằng các nghiên cứu trong lĩnh vực này của Việt Nam là khá sớm. Châu Âu cấm hoàn toàn việc sử dụng amiăng trong sản xuất các sản phẩm xi măng sợi vào năm 2001 và ở Nhật Bản là từ năm 2004. Trên thực tế, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ hai ở châu Á (sau Nhật Bản) nắm vững kỹ thuật sản xuất tấm lợp không amiăng trên cả hai phương diện công nghệ và thiết bị mặc dù đây là kỹ thuật sản xuất rất khó.
Sau khi kết thúc bước nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm, nhóm đề tài thuộc Viện Công nghệ đã tích cực quảng bá, tìm đối tác để triển khai các kết quả của đề tài trên qui mô sản xuất công nghiệp. Tháng 11 năm 2007, dây chuyền sản xuất tấm lợp không amiăng đầu tiên trên qui mô công nghiệp của Việt Nam có năng suất 2 triệu m2/năm do Viện Công nghệ chế tạo, lắp đặt và chuyển giao công nghệ đã đi vào hoạt động tại Cty CP. Tân Thuận Cương – Hải Dương. Sản phẩm của dây chuyền đạt tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản (JIS A 5430:2004) và Hàn Quốc (KS L 5114:2003) đã có mặt trên thị trường trong nước và được xuất khẩu ra nước ngoài từ tháng 1 - 2007. Các kết quả triển khai trên qui mô công nghiệp của Đề tài được công bố lần đầu tiên tại Hội thảo quốc tế “Một số kết quả sản xuất tấm lợp PVA – Ximăng tại Việt Nam và Nhật Bản” tổ chức tháng 3 – 2008 tại Hà Nội. Các kết quả này cũng đã được báo cáo tại các hội thảo quốc tế chuyên ngành tại Hongkong (năm 2009), Đan Mạch (2010), Lào (2011), được giới chuyên môn đánh giá cao cả về mặt nghiên cứu và triển khai trên qui mô sản xuất công nghiệp.
Một yếu tố thị trường tuy mới xuất hiện nhưng cũng có ý nghĩa quan trọng đối với công nghệ sản xuất sản phẩm không amiăng. Hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới sản lượng tấm lợp dạng sóng đã bão hoà và đang đi xuống, trong khi đó, thị trường tấm phẳng dùng trong công nghiệp dân dụng đang tăng trưởng mạnh. Theo các chuyên gia vật liệu xây dựng, trong thời gian ngắn tới, sản lượng tấm phẳng so với tấm sóng sẽ đạt tỷ lệ 7:3 (hiện nay là 3:7). Nhìn chung các tấm phẳng được sử dụng bên trong các toà nhà (làm vách ngăn, trần, sàn…) và chủ yếu sử dụng ở khu vực thành thị nên khách hàng rất khó chấp nhận vật liệu có chứa amiăng. Trên thực tế, hai loại sản phẩm, tấm sóng và tấm phẳng, đều được sản xuất trên cùng một dây chuyền công nghệ nên các nhà sản xuất theo công nghệ không amiăng sẽ có thị trường ngày một tăng trưởng trong tương lai. Hơn thế nữa, giá thành tấm phẳng hiện nay cao hơn đáng kể so với tấm sóng nên nhà sản xuất sẽ có lợi nhuận cao hơn và chuyển sang sản xuất tấm phẳng. Đây cũng là một hướng công nghệ mới mà Viện Công nghệ đang tập trung giải quyết, đặc biệt là nghiên cứu, chế tạo các thiết bị mới để đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật của sản phẩm dạng này.
Tiếp sau các kết quả đã đạt được, từ 2008 đến nay, Viện Công nghệ đã phát triển một thế hệ dây chuyền sản xuất tấm sóng, tấm phẳng không amiăng mới có các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, khả năng tự động hóa cao. Các dây chuyền mới đã được trang bị cho một số đơn vị sản xuất trong nước và được chào bán ra các nước khác trong khu vực.
Mặc dù công nghệ sản xuất không amiăng của Việt Nam mới đi được những bước đầu tiên sau 4 năm nhưng có thể đưa ra một số kết luận:
- Việt Nam đã hoàn toàn chủ động về công nghệ, thiết bị cho sản xuất tấm lợp, tấm phẳng không amiăng. Về mặt kỹ thuật, chúng ta có thể nhanh chóng chuyển sang sản xuất không amiăng với chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn cao của thế giới mà không mất nhiều thời gian mò mẫm thử nghiệm.
- Việc sản xuất không amiăng góp phần đáng kể hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới sức khoẻ con người và môi trường cả về phương diện sản xuất và sử dụng sản phẩm.
- Trong khi chưa chuyển sang sản xuất không amiăng, các tổ chức và cơ quan chức năng cần tuyên truyền, khuyến cáo người sản xuất và người tiêu dùng về lợi ích của việc sản xuất sản phẩm không amiăng, tạo điều kiện dư luận cho việc chuyển sang sản xuất sạch hơn.
- Khuyến nghị các cơ quan chức năng nên có các chính sách phù hợp nhằm động viên các nhà sản xuất chuyển dần từng bước sang công nghệ không amiăng.
Các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất.
03/04/2025