Thứ sáu, 25/04/2025 | 10:10 GMT+7
Triển lãm quốc tế về công nghệ, sản xuất, gia công, sản phẩm, vật liệu kính và thủy tinh lần thứ 14 - Glasstech Asia 2016 đã khai mạc sáng nay (24/11) tại Trung tâm triển lãm và hội chợ Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.
Triển lãm quy tụ 163 tổ chức, tập đoàn, công ty tham dự đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Vương quốc Anh, Đức, Italia, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Úc, Áo, Bỉ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam... Sản phẩm, công nghệ trưng bày tại triển lãm có chất lượng cao thuộc các lĩnh vực như Gia công và thành phẩm kính; Nguyên vật liệu ngành kính, máy móc sản xuất kính, cửa; Vách ngăn và mặt tiền; Vật liệu; Máy móc; Phụ kiện cửa…. Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 26/11.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội kính và thủy tinh Việt Nam - cho biết, ngành xây dựng Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng nhờ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và vốn đầu tư nước ngoài. Điều này cũng dẫn đến việc gia tăng nhu cầu đối với sản phẩm xây dựng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Theo ông Hưng, ngành kính Việt Nam đã trở nên lớn mạnh trong những năm gần đây với hơn 300 doanh nghiệp sản xuất và gia công kính trong nước. Theo như khảo sát của Geology Department tại Việt Nam, các loại nguyên liệu thô cao cấp như cát trắng có trữ lượng lên tới 150 triệu tấn, cũng như nhu cầu của thị trường trong nước là những lợi thế để thu hút nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm cũng góp phần quan trọng trong quá trình phát triển của ngành kính Việt Nam.
Ông Hoàng Vĩnh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Xây dựng - đánh giá, Việt Nam có vị trí chiến lược của khu vực Đông Nam Á, nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, điều này giúp tăng cường việc trao đổi nhiều loại nguyên vật liệu quan trọng, từ nguyên liệu thô cho tới thành phẩm - và kính là một trong số đó.
Cũng theo ông Toàn, các tòa nhà giờ đây đều được thiết kế với mặt dựng nhôm kính, không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn tiết kiệm năng lượng và chi phí khi khách hàng có thể giảm điện năng tiêu thụ. Một điểm cần chú ý đó là nhu cầu kính phẳng tiết kiệm năng lượng sẽ tăng với tốc độ rất cao. Các sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời đạt 200 triệu mét vuông vào năm 2015, và dự kiến con số này sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2020.
Với xu hướng phát triển bền vững trong cả nền kinh tế, ông Toàn cho rằng nhu cầu về kính sẽ tăng cao vì kính là nguyên liệu có thể tái chế nhiều lần. Do vậy, triển lãm Glasstech Asia sẽ là nơi giao thương và mang lại rất nhiều giá trị cho các bên.
Theo Báo Công Thương
Các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất.
03/04/2025