Bộ Công Thương, cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công
IGIP IGIP

Thứ sáu, 25/04/2025 | 03:17 GMT+7

Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Phát huy năng lực khởi nghiệp sáng tạo của các nhà khoa học trẻ

17/05/2024
Chiều 16/5, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2024 với chủ đề: “Nhà khoa học trẻ và khởi nghiệp sáng tạo”. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức, bắt đầu từ năm 2022.
Chiều 16/5, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị các nhà khoa học trẻ 2024 với chủ đề: “Nhà khoa học trẻ và khởi nghiệp sáng tạo”. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress tổ chức, bắt đầu từ năm 2022. 
Sự kiện có sự tham gia của gần 200 khách mời là các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, sinh viên các trường đại học... 
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong 13 năm qua, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam liên tục được cải thiện. Năm 2023, Việt Nam xếp 46/132 quốc gia/nền kinh tế, đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm 36 nền kinh tế thu nhập trung bình thấp; là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Những con số này cho thấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và đời sống. 
Thứ tưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng kỳ vọng: "Thông qua diễn đàn, các bạn trẻ sẽ chia sẻ những câu chuyện từ thực tế, nêu những bài học, khó khăn để cùng nhau nhìn nhận, giải quyết vấn đề. Qua những trải nghiệm thực tế, các nhà khoa học, diễn giả khách mời đề xuất giải pháp giúp quá trình nghiên cứu của nhà khoa học thuận lợi hơn, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh mới".
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang phát biểu khai mạc hội nghị.
Tại sự kiện, TS Trịnh Hòa - Đồng sáng lập Công ty nhựa sinh học Buyo đã có bài tham luận chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với sáng chế sản phẩm thay thế nhựa từ rác hữu cơ. Bà cho hay, công ty đã tận dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ dồi dào nhằm tìm ra sản phẩm thay thế nhựa từ rác hữu cơ, hoàn toàn không chứa nhựa, an toàn cho sức khỏe.
Trong quá trình sản xuất, đơn vị cũng ưu tiên về tuần hoàn nhiên liệu không xả rác thải ra ngoài giúp bảo vệ môi trường và hướng tới phát thải bằng 0 với chi phí thương mại không quá đắt đỏ. "Trong hai năm qua, doanh nghiệp thu hút 800.000 USD của các nhà đầu tư quốc tế", TS Trịnh Hòa chia sẻ. 
Công ty nhựa sinh học Buyo cũng đề xuất chính sách ưu đãi, khuyến khích vật liệu mới thay thế nhựa tương tự như khuyến khích nhựa tái chế, ưu tiên phát triển doanh nghiệp kinh tế tuần hoàn.
TS Trịnh Hòa chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với sáng chế sản phẩm thay thế nhựa từ rác hữu cơ.
Chương trình cũng được nghe câu chuyện khởi nghiệp từ kỹ sư Lương Văn Trường, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương với giải pháp hạt giống nảy mầm sẵn. Trong trang phục áo thun xanh và quần âu giản dị, câu chuyện về một người nông dân khao khát những cánh đồng mẫu lớn, áp dụng công nghệ, trong đó có công nghệ hồi sinh hạt giống khiến cả khán phòng quan tâm.
Theo anh Trường, thời điểm mới bắt đầu, mọi thứ khá thuận lợi vì quy mô nhỏ (7 ha), lợi nhuận một mùa vụ bằng lương anh làm nhà nước một năm. "Tuy nhiên, khi quy mô lớn thì bắt đầu có phát sinh, rủi ro lớn nhất là thiên tai" - kỹ sư nói.
Bước ngoặt quan trọng là năm 2018, mưa liên tục trong 22 ngày, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xuống lúa. Cụ thể, lúa xuống đến đâu chết đến đó, toàn bộ mùa vụ thất bại. Trong quá trình đó, anh Trường nhận ra có những hạt giống để lâu nhưng nếu có điều kiện thuận lợi vẫn hồi sinh bình thường. Từ phát hiện đó, anh tiến hành nghiên cứu ra hạt giống nảy mầm sẵn. Giải pháp của vị kỹ sư đã giúp người nông dân không cần ngâm ủ hạt giống, hạt nảy mầm sau 30 phút; hạt khô, bền vật lý, dễ sử dụng cho các máy gieo công suất lớn; áp dụng được cho nhiều loại hạt giống khác nhau, đặc biệt chi phí sản xuất thấp. Với nhiều ưu điểm, giải pháp nhận giải Ba cuộc thi Sáng kiến Khoa học năm 2023.
Kỹ sư Lương Văn Trường chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp.
Hiện tại, giải pháp này đã được phổ biến đến người nông dân trên nhiều tỉnh thành như: Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Sơn La, Hải Dương... Thậm chí đã có đơn vị quốc tế đàm phán chuyển giao công nghệ như Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Indonesia.
Ngoài ra, các đại biểu đã lắng nghe ông Bùi Xuân Hương -  Phó Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp HDBank chia sẻ thông tin về những nguồn vốn ưu đãi và cơ hội cho các dự án khởi nghiệp. Ông cho rằng việc theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng "0" sẽ tạo động lực chuyển đổi xanh.
Tuy nhiên, thách thức với chuyển đổi xanh là nguồn vốn. Song ông cho rằng cũng có nhiều cơ hội đến từ chuyển đổi xanh, như tiếp cận những nguồn vốn ưu đãi, giảm thiểu chi phí thăng hạng tín nhiệm, thu hút vốn đầu tư vào doanh nghiệp và tái cơ cấu hoạt động sản xuất, nguồn nhân lực và năng suất lao động.
Ông Bùi Xuân Hương chia sẻ nhiều thông tin về những nguồn vốn ưu đãi và cơ hội cho các dự án khởi nghiệp. 
Ông Hương nhấn mạnh hướng xanh hóa đang là một xu hướng mạnh mẽ trên thế giới, trở thành một ưu tiên trong định hướng phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. "Quá trình chuyển đổi cần thời gian và sự quyết tâm của doanh nghiệp, vì không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng, đặc biệt về nguồn vốn đầu tư và hoạt động vận hành", đại diện HDBank nhận định. 
Trong khuôn khổ Hội nghị, phiên tọa đàm với chủ đề “Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu?” đã diễn ra với sự tham dự của đại diện doanh nghiệp và các nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia. Tại tọa đàm, các diễn giả cùng thảo luận về những thuận lợi, khó khăn, đưa ra kiến nghị, giải pháp giúp các nhà khoa học hiện thực mục tiêu quá trình khởi nghiệp. 
Các diễn giả trong phiên tọa đàm “Làm thế nào để nhà khoa học trẻ khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu?”
Thời gian qua Bộ KH&CN đang triển khai nhiều chương trình, xây dựng, sửa đổi các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo; kích cầu công nghệ từ khu vực doanh nghiệp, cũng như tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua tiếp tục khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển KH&CN, thành lập cơ sở R&D, doanh nghiệp KH&CN và khởi nghiệp sáng tạo. Hiện Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) cũng có nhiều thay đổi, tạo thuận lợi hơn để các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm chủ nhiệm đề tài, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế.
Bài/ảnh: Phương Loan
Trên 3 - Ngày đổi mới sáng tạo