Thứ hai, 14/07/2025 | 23:22 GMT+7
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các cam kết phát triển bền vững, chuyển đổi xanh đã trở thành yêu cầu cấp thiết đối với nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là công nghiệp hóa chất, lĩnh vực có mức độ phát thải và tiêu hao tài nguyên cao. Nhằm làm rõ hơn những định hướng và kết quả nổi bật trong hành trình này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam.
Nhiều nghiên cứu, ứng dụng hướng tới sản xuất xanh
- Thưa bà, chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu của nhiều quốc gia và ngành nghề. Bà có thể chia sẻ rõ hơn về khái niệm và định hướng chuyển đổi xanh trong ngành hóa chất trong giai đoạn hiện nay?
GS.TS Vũ Thị Thu Hà: Chuyển đổi xanh (Green Transformation - GX) là quá trình thay đổi các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường từ phương thức truyền thống sang các phương thức bền vững hơn; bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sử dụng tiết kiệm năng lượng, năng lượng sạch, hạn chế phát thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học,...
Chuyển đổi xanh có các định hướng mục tiêu cụ thể như: Phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững; đảm bảo gắn kết, cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế với mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái và ổn định xã hội; nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của tiếp cận thị trường quốc tế và thu hút đầu tư; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện sức khỏe cộng đồng.
Để thúc đẩy chuyển đổi xanh ở nước ta, Trung ương Đảng đã ban hành các nghị quyết và chính sách quan trọng bao gồm: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, Nghị quyết số 57-NQ/TW về đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết số 68-NQ/TW liên quan đến việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cho chuyển đổi xanh, đồng thời cho phép tính chi phí R&D vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.
GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Khánh Long
Xin bà chia sẻ về những kết quả mà Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã đạt được để đóng góp vào lộ trình chuyển đổi xanh trong ngành hóa chất?
GS.TS Vũ Thị Thu Hà: Giai đoạn 2015–2025 vừa qua, Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã đạt một số thành tựu trong khoa học công nghệ, đặc biệt là về việc nghiên cứu phát triển công nghệ hướng tới sản xuất xanh, sạch, chuyển đổi xanh.
Một số điển hình có thể kể tới như: Cụm công trình thuốc tuyển quặng Apatit loại III Lào Cai giúp nâng cao chất lượng tuyển quặng, giảm hàm lượng P2O5 trong đuôi thải, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên không tái sinh; Công trình sản xuất biodiezen từ dầu mỡ thải và dầu vi tảo, được thử nghiệm tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất góp phần giảm phát thải CO2; Công trình phụ gia tiết kiệm nhiên liệu FNT6VN-ECOAL, đã ứng dụng thành công tại Dung Quất và Petrolimex, đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước;
Dung môi sinh học trung hòa các bon, thay thế dung môi hóa thạch, thân thiện với môi trường; Bộ keo UF/UMF chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn phát thải thấp E0, E1 cho xuất khẩu gỗ, doanh thu 60–80 tỷ đồng/năm; Phụ gia chống kết khối cho phân bón, giúp thay thế nguyên liệu nhập khẩu từ hóa thạch; Phụ gia xanh cho cao su và vật liệu đàn hồi, hạn chế phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu;
Các hóa chất xử lý nước làm mất tuần hoàn, tiết kiệm nước và giảm thải lỏng; Nano silica chất lượng cao, ứng dụng trong sản xuất chất tẩy rửa và ắc quy kín khí thân thiện môi trường; Chế phẩm nano thảo dược cho nông nghiệp sạch, thử nghiệm thành công ở quy mô trang trại; Dịch vụ tư vấn kỹ thuật và đánh giá môi trường, giúp doanh nghiệp quản lý và vận hành hệ thống xử lý môi trường hiệu quả.
Tăng cường áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường
- Để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực trong tiến trình này, theo bà cần có những chính sách gì?
GS.TS Vũ Thị Thu Hà: Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng Chương trình chuyển đổi xanh của Viện để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo Chương trình chuyển đổi xanh của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã ban hành. Trong đó đặc biệt quan tâm đến hoạt động nghiên cứu ứng dụng, triển khai đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các đơn vị.
Để hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực trong quá trình thực hiện chuyển đổi xanh có hiệu quả, chúng ta cần đưa nội dung khoa học và công nghệ vào tất cả cơ chế, chính sách về xây dựng, thực hiện nhiệm vụ kèm theo vấn đề tài chính, đặc biệt là nguồn tài chính từ doanh nghiệp, nơi thực sự cần thiết và có nhu cầu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Một số công việc cụ thể cần làm là xác định, định hướng nhiệm vụ theo phương pháp tư duy hệ thống. Đầu tiên, cần phải rà soát, đánh giá lại quy trình công nghệ đang ứng dụng thực tiễn trong sản xuất công nghiệp để nghiên cứu cải tiến các công đoạn kỹ thuật chưa hợp lý; giảm định mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng; giảm nguy cơ phát thải; nhất là trong các công đoạn nghiền, sấy, tuần hoàn tái sử dụng nguyên liệu, sản phẩm, bán sản phẩm...Song song với việc rà soát, đánh giá, cải tiến quy trình công nghệ cần thiết phải nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, công nghệ thân thiện môi trường.
Mọi hoạt động/kinh tế lớn nhỏ đều phát sinh nguồn thải. Vì vậy bên cạnh việc nghiên cứu nghiêm túc quy định về thu gom, phân loại, quản lý, xử lý chất thải; việc nghiên cứu, áp dụng các quy trình xử lý chất thải (rắn, lỏng, khí) tiên tiến và hiệu quả cao; việc xử lý để tái sử dụng chất thải hoặc xử lý chất thải theo công nghệ sinh học là nhiệm vụ quan trọng.
Ngoài các sản phẩm truyền thống đã trở thành thương hiệu của doanh nghiệp, cần thiết phải tổ chức nghiên cứu sản phẩm mới. Trong đó, chú trọng các sản phẩm thân thiện, an toàn môi trường; các sản phẩm có nguồn gốc sinh nhiên và các sản phẩm được chế biến theo công nghệ sinh học; bao gồm cả các sản phẩm phục vụ công nghiệp, nông nghiệp và sản phẩm phục vụ đời sống, sản phẩm chăm sóc cá nhân...
Xin cảm ơn bà!
Theo Báo Công Thương
Để xu hướng ‘xanh hóa’ ngành công nghiệp hóa chất được phát triển, cần coi việc ứng dụng khoa học công nghệ như một động lực chính.
14/07/2025