Bộ Công Thương, cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công
IGIP IGIP

Thứ sáu, 25/04/2025 | 23:07 GMT+7

Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Doanh nghiệp Việt : Chuyển mình theo thời cuộc

29/06/2020
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng với kinh tế thế giới đã đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp (DN) trong nước, vì không chỉ phải cạnh tranh trong xuất khẩu, mà họ còn phải cạnh tranh trên chính “sân nhà”. Theo đó, chuyển mình theo thời cuộc để thích nghi với bối cảnh mới là hướng đi mà nhiều DN đang lựa chọn.
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng với kinh tế thế giới đã đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp (DN) trong nước, vì không chỉ phải cạnh tranh trong xuất khẩu, mà họ còn phải cạnh tranh trên chính “sân nhà”. Theo đó, chuyển mình theo thời cuộc để thích nghi với bối cảnh mới là hướng đi mà nhiều DN đang lựa chọn.
Sản xuất theo xu hướng tiêu dùng
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chia sẻ, có thể sau dịch, nhu cầu về sản phẩm công nghệ thông tin sẽ tăng lên để đáp ứng cho cách thức làm việc mới. Cùng với đó, nhu cầu về sản phẩm xanh sẽ được thúc đẩy mạnh hơn.
Saigon Co.op liên kết với nhiều doanh nghiệp sản xuất và phân phối khẩu trang vải trong mùa dịch
Thực tế trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người tiêu dùng (NTD) đã có nhu cầu về những sản phẩm và dịch vụ mà trước đây chưa có nhu cầu. Cụ thể là với nước rửa tay, gel rửa tay khô và khẩu trang y tế, hay những sản phẩm tăng sức đề kháng trong mùa dịch như: Vitamin, sản phẩm giàu chất dinh dưỡng… Đáp ứng nhu cầu này, ngay thời điểm đó rất nhiều DN sản xuất và bán lẻ đã liên kết sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn.
Điển hình là nhà bán lẻ Saigon Co.op, đơn vị này đã liên kết với nhiều DN dệt may để sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn với số lượng lớn. Tới nay, hàng triệu khẩu trang vải kháng khuẩn đã được nhà bán lẻ này đưa ra thị trường qua hơn 800 điểm bán trên toàn quốc. Một điều đáng mừng là, kể từ khi có khẩu trang vải, nhiều NTD đã không phải xếp hàng chờ mua khẩu trang y tế, hoặc tìm mua khẩu trang không đảm bảo chất lượng bán trên mạng với giá cao.
Ngoài khẩu trang vải kháng khuẩn, rất nhiều sản phẩm chống dịch như nước rửa tay khô, nón chống dịch, buồng khử khuẩn… cũng liên tục được cung cấp ra thị trường và được đông đảo NTD lựa chọn. Theo giới kinh doanh, nhờ những sản phẩm mới lạ, độc đáo kể trên, thị trường vốn đang trầm lắng vì dịch bệnh đã được sôi động phần nào, giúp DN duy trì được doanh thu, tạo việc làm cho lao động để chờ dịch qua đi. Bằng chứng là, doanh thu của hầu hết các sản phẩm trên đều được các DN ghi nhận tăng mạnh, bù đắp cho những sản phẩm tiêu thụ chậm, hoặc không tiêu thụ được vì cầu giảm. Công ty CP Bột giặt NET và Công ty CP Bột giặt LIX là 2 trường hợp điển hình, trong quý I/2020 đã có doanh thu tăng đột biến nhờ nhanh tay sản xuất nước rửa tay khô. Trong đó, NET có doanh thu tăng trưởng tới 42%, còn LIX cũng tăng 308 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019 khi đạt doanh thu trên 900 tỷ đồng.
Bán lẻ nhanh chóng chuyển mình
Cùng với xu hướng tiêu dùng thay đổi thì ngành bán lẻ cũng phải chuyển đổi theo để thích ứng với thời cuộc. Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan Group - chia sẻ, tôi tin rằng khó khăn và thách thức luôn là động lực để kích hoạt sự đổi mới. Covid-19 khiến lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam chuyển đổi cấu trúc nhanh chóng hơn theo hướng bán lẻ hiện đại để phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới và tốc độ của quá trình này sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
Theo đó, Masan cũng như các nhà bán lẻ khác là Saigon Co.op, AEON Việt Nam, Big C, Lotte Mart… đã tăng cường thêm nhân sự cho bộ phận giao hàng, thúc đẩy mua sắm online. Nhờ đó doanh số luôn được duy trì suốt mùa dịch, riêng kênh bán hàng online tăng gấp 10 lần so với thời điểm trước dịch bệnh.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 6/2020 Saigon Co.op còn kết hợp 3 lĩnh vực sức khỏe - tiêu dùng và công nghệ để ra mắt app Saigon Co.op có tên “Bước càng nhiều tiết kiệm càng nhiều”. Với cách tính đếm bước chân để tặng quà này, khách hàng thành viên Saigon Co.op vừa được khuyến khích di chuyển, vận động vừa được hưởng nhiều ưu đãi của siêu thị, giúp mua sắm tiết kiệm hơn.
Không riêng các nhà bán lẻ truyền thống, gần đây nhiều DN đã đầu tư nhiều hơn cho khâu bán online. Trong đó điển hình là Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), theo ông Lê Trí Thông, Tổng giám đốc PNJ, DN này đã chuẩn bị cho kênh online trong dịp mua sắm nhân Ngày Lễ Tình yêu (14-2), đến Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), nhờ đó kênh online của PNJ tăng trưởng nhanh hơn. Để thích ứng với hình thức này, PNJ đã bổ sung thêm trung tâm xử lý đơn hàng trực tuyến tại các khu vực khác nhau, đồng thời thay đổi cách tổ chức cho phù hợp.
Có thể thấy, đại dịch đã giúp các DN Việt nhìn lại cách tiếp cận người dùng bằng cách đưa ra thị trường những sản phẩm hợp với thị hiếu cũng như mở rộng, tái cấu trúc chuỗi kinh doanh bán lẻ. Từ thành công này, các DN khẳng định đây sẽ là cách để họ tiếp tục đẩy mạnh trong thời gian tới kể cả khi hết dịch, nhằm tăng vị thế cạnh tranh. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng, sắp tới đây Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) sẽ được thực thi, càng tạo áp lực lớn hơn cho DN Việt, buộc họ phải thay đổi để thích ứng ngay từ bây giờ.
Việc gia tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong giai đoạn tới nhờ các Hiệp định thương mại tự do khiến áp lực cạnh tranh đối với DN nội địa tăng lên.

Mai Ca
Theo Báo Công Thương
Trên 3 - Ngày đổi mới sáng tạo
Trên 1 - Thông tin hoạt động Cục