Thứ sáu, 25/04/2025 | 13:55 GMT+7
Xác định nguồn nhân lực có vai trò quyết định đến việc nghiên cứu, ứng dụng thành công các tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất, kinh doanh, hàng năm công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời ký hợp đồng với một số trường đại học, như: Bách khoa Hà Nội; Nông nghiệp I Hà Nội và các trường kỹ thuật đào tạo nguồn nhân lực cho công ty. Đến nay, công ty có 245 kỹ sư (chiếm 27% tổng số cán bộ, công nhân viên), trong đó 2 tiến sĩ, 9 thạc sĩ; trên 90% công nhân kỹ thuật được đào tạo và đào tạo lại. Đây là lực lượng nòng cốt trong việc chủ động nghiên cứu, ứng dụng thành công nhiều đề tài KH&CN. Cùng với chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, hàng năm công ty còn tổ chức trên 200 lớp tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân vùng trồng mía, thu hút hàng vạn lượt người tham gia. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp đến các địa phương hướng dẫn kỹ thuật trồng mía cho bà con nông dân; phối hợp với một số trường đại học, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu ứng dụng thành công và chuyển giao kỹ thuật mới cho người trồng mía trong vùng một số chương trình, dự án, như: Kỹ thuật trồng mía bầu; xen canh cây đậu tương vào đất trồng mía; áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho mía theo công nghệ của hãng Netafim - Israel; làm mới lại cây mía hạt đường Lam Sơn... Ngoài ra, để phát huy năng lực của đội ngũ chuyên gia kỹ thuật, công ty đã thành lập nhóm chuyên gia nông nghiệp công nghệ cao, gồm các chuyên gia về lĩnh vực mía đường; giống; cơ giới hóa và thủy lợi; canh tác mía, rau quả công nghệ cao... nhằm triển khai, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bà con nông dân trong và ngoài vùng mía.
Với khẩu hiệu “Đổi mới - sáng tạo - tăng tốc”, công ty đã tập trung đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu mía; đổi mới công nghệ sản xuất đường trắng và nâng công suất. Từ năm 1992 đến cuối năm 2013, công ty đã đầu tư gần 1.600 tỷ đồng để chuyển đổi công nghệ Nhà máy Đường số 1 từ sản xuất đường thô sang sản xuất đường kính trắng; xây dựng Nhà máy Đường số 2; nhà máy cồn công suất 25 triệu lít/năm... Đặc biệt, năm 2013, công ty đã đầu tư xây dựng và phát triển Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn theo hướng mô hình doanh nghiệp KH&CN. Đây là một tổ hợp chuyên nghiên cứu về nông nghiệp, công nghiệp đường, sau đường và bên cạnh đường; liên kết hợp tác, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, trang trại và nông dân... Bên cạnh đó, công ty còn thành lập Hội đồng KH&CN Lam Sơn; thành lập qũy KH&CN với nguồn 10% lợi nhuận trước thuế, trích từ 0,5 đến 1% tổng doanh thu hàng năm cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức hợp tác trong và ngoài nước phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN phục vụ sản xuất mía đường.
Trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, với mục tiêu “chất lượng - hiệu quả”, để đứng vững trên thị trường, Công ty CP Mía đường Lam Sơn tập trung đẩy mạnh chiến lược phát triển KH&CN. Trong đó, giai đoạn 2014-2020 sẽ triển khai thực hiện thành công một số đề tài, dự án, chương trình, đó là: Nghiên cứu phát triển sản xuất các giống mía chất lượng cao sạch bệnh bằng công nghệ nuôi cấy mô với quy mô công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao; nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất mía đồng bộ bằng cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất quy mô từ 5.000 đến 6.000 ha; xây dựng mô hình sản xuất cam giống và cam thương phẩm sạch bệnh, chất lượng cao tại khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn... Ngoài ra, công ty còn hợp tác với Đài Loan xây dựng hệ thống nhân giống và phát triển sản xuất hoa Phong Lan quy mô công nghiệp ở Bắc Trung bộ; hợp tác với Cộng hòa Liên bang Đức xây dựng nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao và một số dự án công nghệ.
Mai KaTheo Báo Thanh Hóa
Các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong việc đưa khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất.
03/04/2025