Bộ Công Thương, cục đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và khuyến công
IGIP IGIP

Thứ bảy, 26/04/2025 | 19:16 GMT+7

Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

“Mở khóa” cho chuyển đổi số (Tiếp theo và hết)

27/08/2020
Việc hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và quá trình chuyển đổi số quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết 52/NQ-TW (Nghị quyết 52) của Bộ Chính trị.
Bài 3: Thể chế phải đi tiên phong
Việc hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc  cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và quá trình chuyển đổi số quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết 52/NQ-TW (Nghị quyết 52) của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, quá trình triển khai nhiệm vụ này vẫn còn hạn chế, chưa tạo được sự dẫn dắt để những chủ trương của Nghị quyết 52 đi nhanh hơn vào cuộc sống.
Cán bộ kỹ thuật của VNPT kiểm tra hạ tầng cáp quang để bảo đảm chất lượng dịch vụ in-tơ-nét.
Nhiều yếu tố thách thức
Nghị quyết 52 là nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của Trung ương Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam trong việc tham gia vào CMCN 4.0; đồng thời thể hiện ý chí mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, xác định tận dụng CMCN 4.0 để vươn lên bắt kịp với thế giới trong một số ngành, lĩnh vực. Hiện thực hóa chủ trương của Nghị quyết 52, ngày 27-4-2020, Chính phủ  ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52. Tiếp đến, ngày 3-6, Thủ tướng Chính phủ  ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo Cục trưởng Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng, đây là yếu tố then chốt nhằm thúc đẩy  chuyển đổi số tại Việt Nam. Nếu xét trên bình diện quốc gia, Việt Nam nằm trong số những nước tốp đầu Đông - Nam Á có một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số. Đây thực chất là quá trình chuyển đổi từ không gian truyền thống sang không gian số. Trong đó, tư duy chấp nhận cái mới, yếu tố thể chế, nhận thức, chính sách quan trọng hơn yếu tố công nghệ. Thực tế nhiều năm trở lại đây, công nghệ thông tin (CNTT) luôn là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng liên tục đạt hai con số trong hơn 10 năm qua. Doanh thu công nghiệp CNTT năm 2019 ước đạt hơn 112 tỷ USD, tăng gần 10 tỷ USD so năm 2018; trong đó, xuất khẩu công nghiệp CNTT đạt 91,5 tỷ USD, chiếm 81,5% tổng doanh thu. Tiếp theo, là vai trò của các doanh nghiệp (DN) công nghệ với nhiệm vụ là những người dẫn dắt, tạo nền tảng cho chuyển đổi số. Lực lượng gần 30 nghìn DN trong ngành là tiền đề để Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ, nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0. Nhiều DN lớn như FPT, Viettel, VNG, Vingroup,... đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng CMCN 4.0 như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn. Nhóm yếu tố thứ ba là nguồn nhân lực, nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, các hệ thống nền tảng, cơ sở dữ liệu quốc gia. Đây được coi là những yếu tố quan trọng cho chuyển đổi số, tham gia vào việc xây dựng và hình thành văn hóa số. Tuy nhiên, đây cũng lại là những điểm hạn chế của Việt Nam khiến quá trình chuyển đổi số đang gặp phải không ít thách thức. Cụ thể, theo dự báo, để phục vụ nhu cầu chuyển đổi số, chúng ta hiện còn thiếu ít nhất 400 nghìn nhân lực CNTT. Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực lớn như vậy, nhưng các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là trong việc đào tạo kỹ sư chất lượng cao. 72% số lao động CNTT vẫn cần phải được đào tạo bổ sung trong thời gian ít nhất ba tháng. Đầu tư vào R&D của DN Việt cũng hạn chế, rất ít DN thành lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, gây cản trở đến khả năng sáng tạo đổi mới. Bên cạnh đó, mặc dù hạ tầng in-tơ-nét của Việt Nam có tốc độ phát triển khá nhanh, nhưng việc phủ sóng vẫn chỉ phổ biến tại các thành phố lớn. Các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa,… chưa được đầu tư cũng như người dân tại các khu vực đó không có điều kiện sử dụng in-tơ-nét.
Ngoài ra, cơ sở dữ liệu mở mang lại rất nhiều lợi ích, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và khoa học thông qua sự thuận tiện hơn khi tiếp cận các thông tin hợp nhất từ nhiều kho dữ liệu khác nhau. Việc công bố các dữ liệu công theo lộ trình nhất định cũng làm tăng niềm tin của người dân vào bộ máy hành chính, qua đó nâng cao việc huy động nguồn lực xã hội vào các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu mở của chúng ta hiện còn hạn chế; các hệ thống thông tin của nhiều bộ, ngành, địa phương hầu hết chưa sẵn sàng để kết nối, khai thác và chia sẻ. Vì vậy, để phát triển hạ tầng dữ liệu, cần hoàn thành các cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng cho chuyển đổi số; đồng thời, tập trung phát triển nền tảng để kết nối, chia sẻ, giám sát, phân tích và tổng hợp dữ liệu. 
Tư duy phải đột phá
Theo các chuyên gia, nhận thức vẫn đóng vai trò quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 52 là cần hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho DN chủ động tham gia CMCN 4.0 và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tiến sĩ Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư cho rằng, sau gần một năm triển khai Nghị quyết 52, công tác hoàn thiện thể chế đã đạt được một số kết quả bước đầu, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo cũng như quá trình chuyển đổi số. Thí dụ, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg về đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, là hành lang phát triển cho các nền tảng kinh tế mới dựa trên khoa học công nghệ số. Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ CMCN 4.0 (cơ chế sandbox). Ở cấp các bộ, ngành, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Đề án 844 (theo Quyết định số 844/QĐ-TTg) về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, đồng thời tạo ra một số hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, làm “sân chơi” cho các DN công nghệ. Bộ Thông tin và Truyền thông ngoài việc ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 (là cơ sở để các bộ, ngành, địa phương cập nhật, từng bước triển khai ứng dụng CNTT, bảo đảm sự đồng bộ, kết nối, liên thông, chia sẻ hạ tầng, dữ liệu), còn phối hợp Ngân hàng Nhà nước  Việt Nam xây dựng cơ chế cho phép các DN viễn thông triển khai thử nghiệm dịch vụ thanh toán qua di động;…
Tuy nhiên, cũng theo ông Hiển, quá trình đổi mới thể chế theo CMCN 4.0 diễn ra vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Có thể kể đến sự chuyển dịch về cơ chế tài chính cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ vẫn chưa có sự thay đổi. Nghị quyết 52 đã yêu cầu rất rõ, phải có cơ chế cho DN nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thế nhưng thực tế hiện nay, nhiều DN, tập đoàn nhà nước dù có tiền trích quỹ cho nghiên cứu đổi mới sáng tạo, nhưng lại không có cơ chế để chi ra. Nếu vẫn coi đầu tư cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo như đầu tư công thì rất khó có nguồn lực cho sự phát triển. Về phía các DN tư nhân tham gia vào đổi mới sáng tạo, mặc dù quy định cho phép các dự án thử nghiệm, tiếp cận với các bộ, ngành để xin nguồn, nhưng thủ tục để tiếp cận những nguồn vốn này luôn là “ma trận” khiến nhiều DN phải chùn bước. Đáng chú ý, một lĩnh vực đáng lẽ phải đi trước, tiên phong trong tiếp cận CMCN 4.0 là giáo dục và đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực số - lực lượng sản xuất chính của cách mạng số lại đang có chiều hướng tụt hậu. Từ khi có Nghị quyết số 29-NQ/TW (Hội nghị T.Ư 8, khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu  công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (năm 2013), cho đến Kết luận số 51-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (năm 2019), công tác này gần như giẫm chân tại chỗ. Ngoài ra, còn hàng loạt vấn đề khác như vẫn chưa có quy định rõ như thế nào là DN số, lao động số, chưa có quy định về các vấn đề tài sản, đầu tư để khuyến khích DN số phát triển hoặc khung pháp lý cho ứng dụng các công nghệ mới. Rõ ràng, điểm nghẽn lớn nhất hiện nay trong việc triển khai Nghị quyết 52 chính là sớm hoàn thiện về thể chế, có sự vào cuộc quyết liệt hơn của Nhà nước trong việc hình thành các cơ chế mẫu. Thí dụ, Nhà nước có thể đứng ra xây dựng các nền tảng công nghệ dùng chung cho khối DN nhà nước, hoặc hệ thống quản lý, điều hành chung cho các trường học,… sau đó triển khai đồng loạt trên cả nước sẽ vừa nhanh, hiệu quả lại tiết kiệm vốn đầu tư. Hoặc để thúc đẩy chuyển đổi số trong DN, phát triển sản xuất thông minh, Nhà nước có thể đầu tư xây dựng những bộ công cụ giúp DN tự đánh giá được mức độ thông minh của mình cũng như tham vấn được bước thực hiện tiếp theo; thành lập đội ngũ chuyên gia hỗ trợ trực tiếp một số nhóm DN thực hiện chuyển đổi số; tổ chức các chương trình lớn phổ biến mô hình sản xuất thông minh trên thế giới,… Đây là những động thái mạnh mẽ mà Chính phủ nhiều quốc gia triển khai khá hiệu quả, nhưng chúng ta làm rất chậm, đòi hỏi phải có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa. 
Chủ động, tích cực tham gia  CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Sau gần một năm triển khai thực hiện Nghị quyết 52, mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của nước ta cho thấy xuất hiện một số bước chuyển ban đầu, nhưng còn chưa rõ nét và chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tiễn. “Chiếc áo” chính sách truyền thống chật hẹp đã không còn vừa vặn, phù hợp đối với “người khổng lồ” CMCN 4.0 hiện nay nữa, đòi hỏi sự thay đổi tư duy của hệ thống chính trị cũng như xã hội, tạo ra bước ngoặt tích cực để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia vận hành nhanh và mạnh hơn, tận dụng hiệu quả các cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại, biến thành động lực cho tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trong xu thế hội nhập mới.
Theo: Báo Nhân Dân
Trên 3 - Ngày đổi mới sáng tạo
Trên 1 - Thông tin hoạt động Cục